Nỗi ám ảnh “sảy thai”

“Một lần sa bằng ba lần đẻ”. Câu nói nhằm ám chỉ nỗi đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần của mẹ bầu bị sảy thai. Với những người có tiền sử sảy thai liên tiếp thì mỗi lần mang thai là một lần họ phải “cân não”, đánh cược với ván bài chưa biết trước thắng thua.

Mười năm làm công tác sản khoa, bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y dược TP.HCM đã gặp rất nhiều trường hợp mẹ bầu sảy thai, mất con thương đến rớt nước mắt.

Một trường hợp bác sĩ Thạch gặp cách đây không lâu là một người mẹ có tiền sử sảy thai đến lần thứ tư.

Người mẹ rất dễ có thai, “thả là dính” nhưng cả bốn lần chị không thể giữ con. “Hai lần không có phôi thai, hai lần có tim thai rồi lại mất tim thai. Tinh thần người mẹ suy sụp hoàn toàn, rất muốn tiếp tục nhưng sợ và ám ảnh bốn lần rơi nước mắt vì không giữ được thai. Dẫu vậy, người mẹ vẫn đến gặp tôi với hy vọng có thai lần thứ năm và đi đến đích cuối cùng”, bác sĩ Thạch nhớ lại.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: BSCC

Chị đã trải qua một thời kỳ chuẩn bị có thai, chăm sóc đặc biệt và cuối cùng một bé trai đã ra đời như ước nguyện. Với chị, tất cả như một câu chuyện cổ tích, giây phút đón con xúc động đến nỗi chị không thể kìm được nước mắt.

Trái ngọt sau 9 lần mang thai

Trường hợp của chị Hạnh (đã thay đổi họ tên) sảy thai đến lần thứ 8 để lại trong bác sĩ Thạch rất nhiều cảm xúc, dư âm. Vợ chồng chị cưới nhau từ năm 2012. Trong lúc chuyển dạ, em bé có bất thường tim thai, suy thai nên được chỉ định mổ lấy thai gấp. Tuy nhiên, em bé đã bị ngạt và mất ngay sau đó. 

Sau lần vượt cạn đầu tiên đó, vợ chồng chị cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc có thai nhưng rồi cũng động viên nhau vượt qua nỗi sợ hãi. Một năm sau, chị Hạnh tiếp tục có thai lần thứ hai. Chị có thai rất dễ, chỉ sau một hai tháng “thả” là có thai. 

Tuy nhiên, lần này thai nhi bị ngưng phát triển, mất tim thai khi được 8 tuần và chị phải hút thai. Thời gian có thai lần hai còn ngắn hơn lần một khiến chị một lần nữa sợ hãi.

Số phận quá trớ trêu khi chị càng mong càng cố gắng thì càng phải đối mặt với kết cục khủng khiếp. Tám lần mang thai tất cả và những đứa con lần lượt rời bỏ chị đi. Cứ có thai đến tuần thứ 8 – 9 là mất tim thai, khi thì thai tự sảy, lần thì phải hút thai ra do ngưng phát triển.

Sau 9 lần mang thai, cuối cùng người mẹ cũng có con trong niềm hạnh phúc vô bờ. Ảnh: BSCC

Cú sốc mất con liên tiếp đã khiến vợ chồng chị Hạnh định bỏ cuộc. Tuy nhiên, một lần nữa chị lại gắng gượng trên hành trình đi tìm “thiên thần hạnh phúc”.

Sau khi nghe tiền sử tám lần thai kì và những tổn thất tinh thần, sức khỏe mà chị phải gánh chịu trong suốt năm năm qua, bác sĩ Thạch cảm thấy chua xót vô cùng. Sảy thai”ám ảnh vợ chồng chị đến mức không dám nhắc đến chữ  thai kì.

Đã có quá nhiều kinh nghiệm trong tư vấn cho các cặp vợ chồng sảy thai nhưng đây là lần đầu bác sĩ Thạch chứng kiến một trường hợp sẩy thai nhiều đến như vậy. Công bằng mà nói, 8 lần mang thai tự nhiên quả là kì diệu nhưng cũng thật khó khăn để vượt qua được nỗi ám ảnh của sảy thai liên tiếp.

“Tôi dành khá nhiều thời gian để an ủi động viên để hai vợ chồng có thêm niềm tin vào đứa con tương lai. Tôi cũng nói về nhiều ca sẩy thai trước đó đều có trái ngọt để họ có thêm niềm tin. Bởi khi có thêm niềm tin vào điều kỳ diệu sắp đến khi mọi việc sẽ tiến hành dễ dàng hơn.

Xét nghiệm khảo sát nguyên nhân trên cả hai vợ chồng đều bình thường. Mọi chuẩn bị cho lần có thai thứ 9 được đưa ra, cả hai vợ chồng được tư vấn và hiểu rõ những gì cần phải làm trước khi có thai và trong quá trình mang thai”. Bác sĩ Thạch cho biết.

Rất nhanh chóng, chị Hạnh có thai lần thứ chín và tuân thủ đúng như những gì bác sĩ yêu cầu. Những lần khám thai đầu tiên trôi qua khá căng thẳng không chỉ với hai vợ chồng mà ngay cả bác sĩ điều trị cũng “căng” không kém.

Tim thai xuất hiện ở tuần thứ 7, sau đó phát triển tốt qua các tuần lễ thứ 10, rồi tuần lễ thứ 12. Diễn tiến thai kì ở tam cá nguyệt 2 và 3 diễn ra thuận lợi ngoại trừ vấn đề nhau tiền đạo. Đến tuần lễ 35 siêu âm vẫn cho thấy kết quả nhau tiền đạo trung tâm, ngôi thai là ngôi ngang, nước ối giảm nhiều tiệm cận thiểu ối.

Chị được nhập viện để theo dõi thai kỳ. Kế hoạch mổ lấy thai khi thai nhi cán mốc 37 tuần nếu mọi thứ diễn biến thuận lợi và sẽ mổ cấp cứu nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra.

Khi thai được 36 tuần, chị bị ra huyết âm đạo nhiều nên mổ cấp cứu. Ca mổ diễn ra khá nhanh, một bé trai cất tiếng khóc chào đời, vận động hô hấp tốt. Dù bị nhau tiền đạo nhưng ca mổ diễn ra khá suôn sẻ, máu mất ít nên chị không cần truyền máu và kết thúc ca mổ sau 40 phút.

“Thật tuyệt vời khi cặp vợ chồng hiếm muộn được đón con trai khoẻ mạnh. Hạnh phúc trên khuôn mặt họ không diễn tả nổi bằng từ ngữ. Bản thân ekip chúng tôi đến giờ vẫn còn lâng lâng khó tả về cái kết có hậu này. Trái ngọt này đã khiến họ không còn ám ảnh bởi 2 chữ “ sẩy thai” và hẹn sẽ gặp lại bác sĩ ở lần có thai thứ 10 trong đời”, bác sĩ Thạch xúc động chia sẻ.