Ung thư từ viêm dạ dày

Mới đây, Bệnh viện K trung ương đã phẫu thuật nội soi cắt dạ dày cho bệnh nhân Nguyễn Văn K. (26 tuổi quê quán Lạng Sơn) vì ung thư dạ dày.

Theo người thân của anh K, cách đây 3 năm, K. phát hiện viêm loét dạ dày và đã được bác sĩ kê đơn uống thuốc khoảng 2 tháng triệu chứng đỡ dần nên K. không bao giờ đi kiểm tra sức khỏe lại.

Sau đó, K. đi làm ở miền Nam và quên đi bệnh viêm loét dạ dày của mình phải khám lại 1 năm một lần. Mỗi khi có cảm giác đau, ách ở bụng, K. lại đi mua thuốc về uống và triệu chứng này lại hết.

Cách đây gần 1 tháng, K. bị đau hơn, người sụt cân, cảm giác đau ở vùng thượng vị kèm theo buồn nôn nên K. đi khám bệnh. Bác sĩ nội soi dạ dày thấy có vi khuẩn HP kèm theo niêm mạc dạ dày loét, sùi. Bấm sinh thiết chẩn đoán ung thư dạ dày.

Các bác sĩ BV K phẫu thuật cắt dạ dày cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Khi biết mình bị ung thư dạ dày, K. vô cùng hoang mang vì cậu còn rất trẻ. Tuy nhiên, được bác sĩ tư vấn, K. hiểu về bệnh hơn. Cậu được phẫu thuật nội soi cắt dạ dày kèm theo nạo hạch.

Trường hợp anh Lê Văn Đ. (41 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 1. Anh Đ. chia sẻ anh bị viêm loét dạ dày cả chục năm nay và vẫn thường xuyên nội soi dạ dày. Hai năm trước, anh nội soi dạ dày ở Bệnh viện Đa khoa Xanh-pôn, bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày và vi khuẩn HP hoạt động mạnh nên khuyến cáo anh Đ. điều trị triệt HP.

Việc điều trị HP, anh Đ. hay vi phạm do thời gian lâu cộng với đặc thù công việc là dân công trình, nay nhớ thuốc, mai quên. Tháng 4, anh thấy đau thượng vị nên lại đi nội soi. Trong lần nội soi này,bác sĩ cho biết dịch dạ dày đục, vi khuẩn HP nhiều và cho sinh thiết không có tế bào lạ.

Tuy nhiên, vết loét vùng hang vị khiến bác sĩ nghi ngờ và phẫu thuật cắt dạ dày. Kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh là ung thư dạ dày. Thủ phạm được chỉ đích danh là viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP.

Ung thư dạ dày ngày càng tăng

Theo thống kê trên toàn cầu, nước ta đứng thứ 18 trên thế giới về ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đừng thứ 3 sau các bệnh ung thư khác.

Theo TS BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hoá Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ung thư dạ dày đến khám và điều trị. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân còn rất trẻ và nhiều người có tiền sử viêm loét dạ dày lâu năm.

Ung thư dạ dày gây ra tình trạng viêm loét dạ dày và chuyển sang mãn tính. Các yếu tố thúc đẩy ung thư dạ có thể bao gồm ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm hun khói, các loại thịt đỏ, thịt đã qua nhiều công đoạn chế biến hay rau quả ngâm muối.

Những thực phẩm có nguy cơ cao gây ung thư dạ dày  - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, ở nước ta thống kê có 26% người mắc viêm loét dạ dày tá tràng, 70% người dân chứa vi khuẩn HP. Hai yếu tố trên cộng với thói quen sinh hoạt không hợp lý, lười vận động khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày có xu hướng gia tăng.

Nếu bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP thì tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 6 lần so với nhóm không nhiễm vi khuẩn HP.  Đây là một loại vi khuẩn duy nhất có thể sống trong môi trường đậm đặc axit như dạ dày. HP có nhiều chủng và những loại có độc lực cao có thể ảnh hưởng tới niêm mạc dạ dày  gây viêm loét ảnh hưởng đến sự phát triển của niêm mạc dạ dày và ruột.

Tình trạng viêm loét, loạn sản niêm mạc dạ dày lâu ngày tạo điều kiện cho các tế bào đột biến phát triển thành ung thư. Việc chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn HP có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày trong tương lai.

Ngoài ra, bác sĩ Long khuyến cáo những người bị viêm loét dạ dày cần được điều trị và theo dõi thường xuyên. Người bệnh không nên tự uống thuốc trị viêm dạ dày.

Nhiều người đau dạ dày xong uống thuốc thấy đỡ tưởng bệnh đã hết nhưng thực tế tế bào ung thư vẫn còn và đang âm thầm phát triển trong dạ dày. Khi có các biểu hiện đau thượng vị, nôn ói, đi ngoài phân đen thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.