Phá cỗ đêm rằm với “heo cận thị”

“Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong cả năm. Trăng thu cũng là trăng sáng nhất trong năm.
Đêm đẹp nhất trong năm đó, người lớn dành tặng cho lũ trẻ.
Bày một bàn tiệc ấm cúng cho chúng thưởng thức với những món ăn, món đồ chơi tụi trẻ thích nhất. Đó là ký ức của tôi về đêm trung thu truyền thống.

“Về nhà Trung thu”, về nhà bày cỗ để mê mẩn những món đồ chơi sắc màu, để hít hà hương thơm ngọt lành của cốm, chuối, hồng na trong làn đi chợ của mẹ, để cùng ba thắp nến, rót chén trà thơm mời ông bà, nhâm nhi miếng bánh dẻo mềm tan, để ngắm nhìn những đôi mắt trong veo đang trò chuyện cùng chú heo cận thị bánh nướng trong giỏ tre hồng, những nụ cười háo hức chờ phút đoàn viên phá cỗ. Chúng mình cùng nhau dệt kí ức đẹp cho lũ trẻ và cả nhg trẻ con sống lâu như chúng mình nữa nhé!”.

Đó là những dòng trạng thái của chị Nguyễn Thu Hương trên trang cá nhân khi nói về Tết trung thu – ngày Tết lớn nhất trong năm dành con trẻ.

Bàn tiệc phá cỗ đêm rằm với chủ đề "Về nhà trung thu". Ảnh: NVCC

Chị Hương đã lên ý tưởng mâm cỗ với chủ đề “Về nhà Trung thu” từ rất sớm.

Với chị, bàn tiệc phá cỗ đêm rằm trung thu truyền thống "chuẩn không cần chỉnh" chỉ có những màu sắc, chất liệu dân gian Việt Nam.

Đó là bánh trung thu nhân thập cẩm truyền thống, là những chú “heo cận thị” thơm ngon trong giỏ tre hồng, là trà nhài thật thơm, là hồng tre ngọt lịm, là những món đèn trung thu giấy bóng kính màu thật xinh. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tổ chức một bàn tiệc trung thu truyền thống đúng nghĩa cho các con.

"Về nhà trung thu" với bọn trẻ đi thôi! Ảnh: NVCC
Mọi thứ đều lạ lẫm và đầy màu sắc. Ảnh: NVCC

“Heo cận thị” handmade là một sản phẩm chị Hương vô cùng tâm đắc, nó không thể trộn lẫn giữa hàng trăm nghìn chiếc bánh trung thu trên thị trường. Ngộ nghĩnh, đáng yêu và có phần…ngố ngố, lúc “xuất chuồng” được thắt nơ điệu đà, điều đó đã khiến “heo cận thị” đã “đốn gục tim” các em nhỏ và bà nội trợ khi cùng nhau phá cỗ đêm rằm.

Chiếc mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, tò he hay mâm ngũ quả, bưởi tỉa hoa phù dung... 

Dành cả tuổi thanh xuân giữ “hồn trung thu bao cấp” giữa phố thị

Năm xưa, gia đình bác chị Thu Hương là nhà làm bánh trung thu và oản truyền thống nổi tiếng ở phố Hàng Giày. Suốt những năm tháng thời bao cấp, mùa trung thu đến, cả gia đình chị đều tự tay làm bánh nướng, bánh dẻo để nhà ăn và cung cấp cho người thân, bạn bè.

Chị Nguyễn Thu Hương, chủ Nhà hàng có tiếng về đồ ăn ngon, sạch, nấu đúng kiểu “nhà làm” tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

“Nhớ mãi đến tận bây giờ chiếc bánh nướng thập cẩm thơm mùi lá chanh, mứt bí, hạt sen thật giòn, mỡ vừng, hạt dưa quyện béo ngậy, lạp xường thơm mùi ngũ vị.

Đó là bánh đậu xanh, trứng mặn, mềm, bùi thơm béo ngậy với chút hạt dưa, mỡ phần. Đó là những chiếc bánh dẻo mặt trăng, con cá, bánh nướng con lợn mà trẻ con ngày ấy ai cũng mê mẩn đến lạ kỳ, chưa kể những món đồ chơi thủ công sắc màu như đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, chiếc tàu thủy bằng sắt sơn chạy ì ì trong chậu nước”, chị Hương nhớ lại.

Chính vì thế, chiếc bánh trung thu đúng kiểu hương vị truyền thống với chị còn là hiện thân của ký ức trung thu thời bao cấp mà chị đã đi qua.

"Heo cận thị" đốn gục tim những đứa trẻ và bà nội trợ Hà thành trong mùa trăng. Ảnh: NVCC

Dù thị trường có bao nhiêu kiểu bánh trung thu đi chăng nữa thì bếp của chị vẫn chỉ làm một số loại bánh đó là bánh nướng thập cẩm, bánh đậu xanh trứng muối và bánh dẻo.

Bánh trung thu của người Hà thành nhất quyết không thể lai tạp kiểu Trung Quốc, Hồng Kông, kiểu Âu, không trộn thêm sơn hào hải vị”, chị Hương bộc bạch. Với tâm niệm đó, bà nội trợ đảm đang này đã dành cả tuổi thanh xuân để giữ hương vị trung thu truyền thống giữa lòng phố thị.