Rằm tháng Giêng hay còn được gọi là tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên. Vào ngày này, ngoài việc đi lễ chùa, lễ Phật để cầu mong bình an và khỏe mạnh quanh năm thì chuẩn bị mâm cỗ cúng cũng là điều mà các gia chủ cần quan tâm đúng mực.

Ngày Tết Nguyên Tiêu các gia đình thường sắm hai lễ cúng: Lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên. Cúng Phật là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Cúng Gia tiên vào giờ Ngọ, là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết.

Mâm cúng Rằm tháng Giêng. Nguồn: Internet.

Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng cơ bản có một con gà trống, đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống. Tiếp đó là bánh chưng, tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất.

Món thứ 3 là xôi gấc. Không chỉ có màu đỏ giúp mâm cỗ thêm đẹp mắt mà theo quan niệm dân gian, màu đỏ của xôi gấc sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.

Tiếp theo trong mâm cỗ là chân giò bó luộc; dưa món; chè kho... Mâm cỗ phải có vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành và vị ngọt của chè kho.

Món ăn trong Tết Nguyên Tiêu. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, các bà nội trợ có thể tùy nghi biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng của gia đình.

Ngoài ra, người làm cỗ cũng có thể làm các món có tính mát, dễ ăn, sau khoảng thời gian bổ sung quá nhiều bánh chưng, giò chả, đồ xào mỡ dịp Tết Nguyên đán. Đó là các món cá hấp, cá nấu riêu kèm thêm rau sống. Các đầu bếp cũng có thể trổ tài với món cuốn như cuốn thang, cuốn bỗng, hành cuốn củ quả…

Bánh trôi nước. Nguồn: Internet.

Đặc biệt, trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra, còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.hoặc món thịt lợn luộc cuốn kèm thêm khế, rau thơm, lạc rang, chuối xanh...