Chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7 là một trong những điều mà bất cứ chị em phụ nữ nào khi đã về nhà chồng cũng cần nắm được. Tuy nhiên, với các cô gái trẻ mới xuất giá thì “lần đầu làm chuyện ấy” quả không dễ chút nào. Không ít người chẳng hề biết rằm tháng 7 cúng gì, cúng như thế nào và nên cúng sớm hay cúng đúng ngày 15 tháng 7.
Theo giáo lý nhà Phật, cúng rằm tháng 7 gồm các lễ như sau: lễ cúng Phật, lễ cúng thần linh, lễ cúng gia tiên, lễ cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.
Chuẩn bị các mâm cúng rằm tháng 7
Đối với mâm cúng Phật: Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ, sau đó, là lễ thần linh và cuối cùng là lễ gia tiên. Sau khi cúi đầu lạy Phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện, bạn có thể tụng kinh niệm Phật. Mâm cúng nên có một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả, bó hoa, nhang, đèn cầy…, thực hiện cúng tại nhà.
Nếu muốn cắm hoa tươi, bạn nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn hoặc hoa ngâu. Tránh dùng các loại hoa dại khi soạn mâm cỗ cúng rằm tháng 7.
Đối với mâm cúng tạ ơn thần linh: Mâm cúng này nhằm mục đích cảm tạ các thần linh đã giúp đỡ cho tổ tiên được siêu thoát và mang đến bình an cho gia đình.
Đối với mâm cúng gia tiên: Mâm cúng gia tiên nên là một mâm cơm, có thể là món mặn hoặc món chay tùy vào gia đình. Mâm cúng này nhằm mục đích tưởng nhớ đến những người thân đã mất, cảm tạ đã mang đến sự sung túc, thịnh vượng cho con cháu và cầu mong được phù hộ những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, mâm cúng rằm tháng 7 trên bàn thờ gia tiên hiện nay thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng cho những vật dụng truyền thống như quần áo, giày dép…, thậm chí là cả các thiết bị hiện đại như xe cộ, điện thoại… Điều này nhằm thể hiện con cháu cũng muốn tổ tiên có được một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ như người trần. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm thêm các món ăn như cá kho, canh… theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.
Đối với mâm cúng thí cô hồn: Mâm cúng này để cúng các vong hồn khi chết không có nơi trú ngụ, chịu nhiều cơ cực, hàm oan. Mâm cúng nên bao gồm 15 lễ tiền vàng trở lên, 20 đến 50 bộ quần áo chúng sinh, tiền trinh, hoa quả ngũ sắc, bỏng khô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc, kẹo bánh, tiền mặt. Lưu ý nếu cúng thêm cháo thì làm thêm mâm gạo muối kèm theo 5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa.
Ngoài ra, không được cúng xôi, gà, heo, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tha, sân, si. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc mỗi hướng từ 3 - 5 - 7 cây hương. Bày lễ và cúng ngoài trời. Bạn có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện và thể hiện tình thương của mình đối với các cô hồn, mong muốn các linh hồn sớm được giải thoát khỏi trần thế đau khổ. Kết thúc lễ, vãi gạo, muối ra sân, đường rồi đốt vàng mã.
Đối với cúng phóng sinh vào rằm tháng 7:
Cúng phóng sinh cũng là một nghi thức quan trọng trong lễ cúng rằm tháng 7. Đây là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt nhưng không phải ai cũng nắm được nên chuẩn bị mâm cúng phóng sinh ngày rằm tháng 7 như thế nào.
Thực tế, lễ vật cúng phóng sinh khá đơn giản. Bạn chỉ cần mua một ít chim, cá, tô, cua… sống rồi tìm đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm để chúng sống được rồi tiến hành phóng sinh. Không nhất thiết phải thả ao hồ quanh chùa và khi thực hiện phóng sinh cần thành tâm làm phúc, cứu khổ, cứu nạn chứ không hám danh lợi.