Theo các chuyên gia, vào mùa hè, trẻ thường mắc các bệnh như bệnh tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là viêm loét ở miệng, ở tay, chân, các triệu chứng sốt và tùy theo mức độ bệnh nặng mà có thể gây ra triệu chứng nặng khác nhau.

Thời tiết như chảo lửa là nguyên nhân rất dễ gây nên các bệnh cho trẻ. Ảnh: Internet

 Với các bệnh như cúm, biểu hiện thường là hắt hơi, xổ mũi, có thể sốt nhẹ và tùy theo tình trạng bội nhiễm của tình trạng cúm đó như viêm tai giữa, viêm VA hoặc viêm phổi kèm theo…

Ngoài ra, trẻ rất dễ bị mất nước do lượng mồ hôi thoát ra quá nhiều, nếu không được bổ sung nước có thể khiến trẻ kiệt sức. Trẻ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào. Khi mất nước trẻ có biểu hiện như: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Khóc không có nước mắt; Trẻ quấy khóc, khó chịu; Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi; Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.

Không chỉ vậy, trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, trẻ còn có khả năng rơi vào tình trạng chuột rút, kiệt sức và nặng hơn là say nắng. Say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng gây ra. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Do đó, để phòng ngừa các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý một số các biện pháp chăm sóc sau:

1. Uống nhiều nước

Mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất nhiều nước, vì thế cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước khi ở nhà hay đi học. Mỗi khi ra nắng hay đi học phải đội mũ, nón rộng vành để không bị say nắng. Tuy nhiên, cần lưu ý khôngcho trẻ uống nhiều nước đá hay ăn những thức ăn quá lạnh.

Cho trẻ uống nhiều nước là một trong những biện pháp phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra. Ảnh: Internet

 2. Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định

Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trong tiêm chủng dịch vụ, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm các loại vắc xin bởi đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm.

3. Phòng say nắng và say nóng

Không nên cho trẻ ra ngoài trời lúc nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức. Nếu phải ra ngoài trời cần phải mặc quần áo che kín da và đội nón rộng vành che phủ vùng cổ, gáy. Không tắm biển hoặc sông, suối vào lúc còn nắng gắt. Nếu trẻ có biểu hiện say nắng, hãy nhanh chóng chuyển trẻ tới khu vực râm mát, hạ thân nhiệt của trẻ bằng bất cứ biện pháp nào, ví dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người…

Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.

Thời tiết nắng nóng khiến sức đề kháng của trẻ kém đi, dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý để chăm sóc tốt cho trẻ trong những ngày này.