Trở nặng chỉ sau một đêm

Chia sẻ về tình trạng mắt của con gái, anh Cường cho biết: Chiều hôm trước thấy mắt phải của con bị sưng, đỏ, nghĩ con còn bé chắc chỉ bị đau mắt đỏ nên anh nhỏ tạm nước muối sinh lý. Sáng hôm sau, tình trạng mắt con không đỡ vợ chồng anh mới đưa đi bệnh viện thăm khám.

"Con bị viêm nội nhãn nên không thể giữ lại được thị lực nữa - Nhận kết quả chẩn đoán của bác sĩ mà vợ chồng tôi không muốn tin. Chỉ sau một đêm con tôi đã bị mù", anh Cường ngậm ngùi.

ThS.BS Mai Thị Anh Thư, Trưởng khoa khám bệnh – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Trường hợp của bé Hải Yến bị viêm nội nhãn gây ra bởi vi sinh vật gram âm, có độc tính cao hơn và tiên lượng xấu nhất là gây mất thị lực vĩnh viễn.

Bệnh thường xuất hiện khi cơ thể có sức đề kháng kém, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện ở người khoẻ mạnh và không có bệnh lý. Hoặc tiền sử trong gia đình có người từng mắc căn bệnh này làm tăng nguy cơ cao đối với các thành viên khác.

Viêm nội nhãn là tình trạng viêm nghiêm trọng các mô trong mắt, dễ dẫn đến mù loà

Triệu chứng của bệnh viêm nội nhãn có thể xuất hiện dấu hiệu mắt nhìn mờ, đau nhức và đau tăng dần lên về đêm, mắt bị kích thích gây khó chịu cho người bệnh. Bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng, sưng nề xung quanh đôi mắt, hoặc có thể xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ như trường hợp của bệnh nhân Hải Yến.

Mắt phải có nguy cơ nhiễm trùng cao gấp 2 lần mắt trái

ThS.BS Mai Thị Anh Thư giải thích thêm: Viêm nội nhãn là tình trạng viêm nghiêm trọng ở các mô nằm bên trong của mắt. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng bởi các vi khuẩn gây bệnh: staphylococus, streptococcus, hay vi khuẩn gram âm hoặc các loại nấm như Candida, aspergillus.

Bệnh viêm nội nhãn rất hiếm khi xảy ra, trung bình mỗi năm chỉ khoảng 5/10.000 người mắc phải. Đặc biệt, mắt bên phải có nguy cơ bị nhiễm trùng cao gấp hai lần so với mắt bên trái, do mắt phải gần vị trí động mạch, cung cấp máu từ động mạch cảnh phải.

ThS.BS Mai Thị Anh Thư khám mắt cho một bệnh nhân

Bệnh nhân bị viêm nội nhãn giai đoạn đầu thường tiến triển âm thầm không gây đau hoặc gây tình trạng mủ. Khi đi khám mắt, trường hợp bệnh nhân bị viêm nặng còn xuất hiện triệu chứng như mi mắt sưng nề, đỏ, kết mạc, cương tụ, giác mạc phù nề thậm chí còn bị thâm nhiễm, có mủ tiền phòng, viêm dịch kính.

Triệu chứng toàn thân, bị viêm nội nhãn mủ thường khiến cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân vẫn có thể bị suy giảm hoặc mất thị lực ngay cả khi được phát hiện và điều trị sớm.

"Trường hợp của bé Hải Yến xuất hiện dấu hiệu đau mắt đỏ ban đầu. Tuy nhiên, vì bé còn quá nhỏ, cộng thêm vi khuẩn gây bệnh có độc tính cao nên bệnh của bé biến chuyển nhanh gây ra tình trạng mất thị lực vĩnh viễn. Đây là trường hợp vô cùng đáng tiếc và cũng hiếm gặp trong y khoa", ThS.BS Anh Thư khẳng định.

Cũng theo Bác sĩ Anh Thư, bệnh viêm nội nhãn không chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thị lực mà còn có thể gây ra biến chứng khác trên cơ thể, nên cần được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị sớm. Vì vậy, ngay khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bệnh nhân cần được thăm khám chuyên sâu, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tầm soát các bệnh lý nếu trong gia đình có yếu tố di truyền.