Dữ liệu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, tuổi thọ của người Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất gần 30 năm qua. Với mức sống thọ trung bình 76,4 năm, Mỹ đã bị hầu hết các quốc gia phát triển khác làm cho lu mờ. 

Theo Ngân hàng Thế giới, Mỹ ghi nhận mức tuổi thọ thấp hơn như vậy vào năm 1996, cách đây 27 năm. 

Trong số 48 nước được khảo sát, Mỹ đứng ở vị trí thứ 34. Năm 2003, Mỹ xếp hạng 10. Sự thay đổi đó khiến quốc gia này nằm trong top 6 nước có mức giảm tuổi thọ lớn nhất.

Số lượng dân sống thọ, khỏe mạnh ở Mỹ không cao so với các nước phát triển. Ảnh minh họa: 1thcm

Tuổi thọ trung bình ở các nước trong khối OECD và đối tác là 80,3 tuổi. Trong đó, Thụy Sĩ đứng đầu (83,9 tuổi) và Latvia thấp nhất (73,1 tuổi). Tính trung bình, phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Khoảng cách giới tính là 5,4 năm: phụ nữ (83 tuổi) so với nam giới (77,6 tuổi).

Mức tuổi thọ của người dân trong các nước trên đã giảm 0,7 năm do tác động của đại dịch Covid-19. Con số này bắt đầu tăng trở lại vào năm 2022. Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận mức tăng bắt đầu chậm ngay cả trước đại dịch, đặc biệt đối với phụ nữ.

Theo NY Post, bệnh tim (nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người Mỹ), đột quỵ, béo phì và tiểu đường (số ca dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050) là những căn bệnh chính ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trên toàn thế giới.

Ô nhiễm không khí, hút thuốc và uống rượu được coi là những yếu tố nguy cơ hàng đầu cản trở việc tăng tuổi thọ.

Dữ liệu cho thấy Mỹ có tỷ lệ người hút thuốc hằng ngày thấp hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân đầu người và tỷ lệ tử vong do ô nhiễm ở Mỹ cao hơn mức trung bình so với các quốc gia phát triển khác.

Không chỉ vậy, Mỹ còn phải vật lộn với đại dịch béo phì khi tỷ lệ người dân thừa cân của nước này tệ hơn mức trung bình. 

Tiến sĩ Steven Woolf đánh giá: “Mỹ có thể là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới và chắc chắn chi tiêu nhiều hơn mọi quốc gia cho việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, người Mỹ ốm yếu hơn và chết sớm hơn người dân ở hàng chục quốc gia”. Đánh giá này tương tự báo cáo của OECD. 

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Woolf được công bố trên tạp chí Y tế Công cộng Mỹ, ngay cả những người Mỹ có lối sống lành mạnh như không béo phì hoặc không hút thuốc dường như vẫn có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nhóm cùng lứa tuổi ở các quốc gia khác.

“Phân tích mới cho thấy tình trạng tử vong sớm ở người Mỹ là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn hơn và kéo dài hơn nhiều so với những gì được nhận định trước đây”, Tiến sĩ Woolf nói thêm.