Phụ nữ từ lâu đã được dự đoán sẽ sống lâu hơn nam giới cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Hiện tại, mức chênh lệch này đang gia tăng. Tại Mỹ, theo một nghiên cứu mới, phụ nữ dự kiến sống lâu hơn nam giới gần 6 năm. 

Các nhà khoa học đã xem xét tác động của Covid-19 và các nguyên nhân tử vong khác đằng sau chênh lệch về tuổi thọ liên quan tới giới tính từ năm 2010 đến 2021. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 79,1 năm và nam giới là 73,2 năm. Đây là mức khác biệt lớn nhất kể từ năm 1996.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của dân số Mỹ tiếp tục giảm từ 78,8 năm (năm 2019), xuống còn 77 (năm 2020) và 76,1 (năm 2021).

Phụ nữ luôn có xu hướng sống thọ hơn nam giới. Ảnh: Marketing

Lịch sử cho thấy một lý do quan trọng khiến phụ nữ sống lâu hơn là sự khác biệt trong thói quen hút thuốc, dẫn đến tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư phổi ở phụ nữ thấp hơn so với nam giới. 

Bác sĩ Michael Fredericson chia sẻ với Yahoo Life, phụ nữ có xu hướng tuân thủ lối sống lành mạnh hơn nam giới. Bác sĩ Fredericson, người không tham gia vào nghiên cứu, là đồng Giám đốc Trung tâm Tuổi thọ Stanford và Giám đốc Chương trình Y học lối sống của Đại học Stanford.

"Tôi nghĩ phụ nữ có lẽ sẽ luôn sống thọ hơn, nhưng nam giới có thể cố gắng bắt kịp khi chúng ta đã vượt qua đại dịch Covid-19" bác sĩ Fredericson nói. Theo nghiên cứu, Covid-19 đã tác động lớn đến tuổi thọ của nam giới. 

Dưới đây là các yếu tố đang nới rộng khoảng cách về thời gian sống giữa nam và nữ tại Mỹ: 

Covid-19

Nam giới có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn so với phụ nữ. Năm 2021, trên 100.000 nam giới có 131 người tử vong, con số này ở nữ khoảng 81. 

Có nhiều lý do cho thực trạng trên bao gồm nam giới dễ bị bệnh nền và tác động của các yếu tố kinh tế xã hội như tù tội và vô gia cư. Nhiều đàn ông có thể đã tham gia vào lực lượng lao động ngoài trời khiến họ có rủi ro nhiễm bệnh cao hơn. Theo Cơ quan điều tra dân số Mỹ, lượng lớn phụ nữ làm việc tại nhà trong thời kỳ Covid-19. 

Tai nạn  

Đây là yếu tố tác động lớn thứ hai vào việc mở rộng khoảng chênh lệch về tuổi thọ giữa hai giới. Nam giới có khả năng cao hơn phụ nữ trong sử dụng chất gây nghiện bất hợp pháp và cũng có nguy cơ cao tử vong hoặc cần phải đến bệnh viện cấp cứu do dùng loại chất trên. 

Bệnh tim 

Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mỹ gồm nhiều tình trạng khác nhau. Trong đó, bệnh động mạch vành phổ biến nhất, có thể dẫn đến cơn đau tim. Nam giới thường mắc bệnh tim sớm hơn so với phụ nữ. Phụ nữ có mức hormone estrogen và progesterone cao hơn, có thể mang lại tác dụng bảo vệ khi còn trẻ. 

Bác sĩ Fredericson nói rằng yếu tố lối sống cũng ảnh hưởng tới tuổi thọ: "Hút thuốc, huyết áp cao, thừa cân đều tác động đến tim mạch, hệ thống chuyển hóa của bạn, tăng cholesterol. Những vấn đề đó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bất ổn khác có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ”. 

Bệnh tiểu đường

Nam giới có khả năng cao hơn mắc bệnh tiểu đường không được chẩn đoán hơn. 

Bệnh tiểu đường loại 2 thường xuất hiện sau tuổi 40 và là loại phổ biến nhất, chiếm tới 95% số ca mắc tiểu đường. "Tiểu đường loại 2 có thể ngăn chặn rất hiệu quả nếu bạn điều chỉnh lối sống. Tôi nghĩ phụ nữ làm điều đó tốt hơn so với nam giới", bác sĩ Fredericson nói.

Thói quen giúp tăng tuổi thọ

Bác sĩ Fredericson nói rằng mọi người có thể áp dụng một số thói quen thông thường để tăng tuổi thọ bao gồm:

- Không hút thuốc

- Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) giữa 18,5 và 25

- Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày với bài tập vừa và mạnh

- Hạn chế tiêu thụ rượu bia

- Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giảm chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến, tăng cường rau củ quả. 

"Nếu nam giới có thể áp dụng lối sống lành mạnh, họ có thể bắt kịp với phụ nữ về tuổi thọ", bác sĩ Fredericson nói.