Tỷ lệ hiếm muộn, vô sinh tăng nhanh trong những năm qua là một trong những nguyên nhân lớn làm mức sinh giảm. Ảnh minh họa: Pexels.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính có khoảng 7,7% dân số Việt Nam bị vô sinh, hiếm muộn. Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng 15-20% sau mỗi năm.

Trong một hội thảo về chính sách phúc lợi cho nhân viên thực hiện hỗ trợ sinh sản, ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM, cho biết tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang tăng nhanh.

Lý do chủ yếu là phụ nữ trên 30 tuổi kết hôn và sinh con muộn, có trường hợp lớn tuổi mới sinh thêm con thứ hai. Điều này góp phần giảm mức sinh, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP.HCM. Ngoài ra, xu hướng lặp gia đình và có con trễ, ô nhiễm môi trường, căng thẳng trong đời sống, thay đổi lối sống... cũng khiến tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam tăng nhanh. Tỷ lệ này trên thế giới khoảng 10%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 6 cặp vợ chồng thì có một cặp gặp khó khăn trong việc có con.

Đến lúc bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Việt Nam từng là một trong những nước thực hiện chính sách giảm sinh thành công. Điều này vô tình làm những chính sách liên quan đến hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn không được quan tâm. Ngân sách nhà nước tập trung chủ yếu cho chính sách giảm sinh và nó cũng trở thành thói quen của người dân.

Nếu xét về kỹ thuật và hiệu quả điều trị hiếm muộn, vô sinh, Việt Nam đang ở nhóm làm tốt nhất trong khu vực châu Á. Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất nhưng hiệu quả trong khu vực.

Ví dụ, năm 2014, một lần trữ trứng ở Mỹ sẽ rơi vào khoảng 20.000 USD, chi phí này ở Việt Nam trong năm 2024 là 2.500-3.000 USD. Công nghệ trữ lạnh ở Việt Nam thậm chí tiên tiến hơn một số nước trong khu vực.

 

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa và tỷ lệ hiếm muộn tăng do người dân có con trễ. Tình trạng này khó thay đổi trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế không chỉ trả cho việc khám và điều trị hiếm muộn, tạo gánh nặng rất lớn lên các cặp vợ chồng muốn có con và muốn có một gia đình hoàn chỉnh.

"Các cơ quan chức năng cần thay đổi chính sách giảm sinh sang khuyến sinh một cách nhanh chóng, đặt biệt là việc bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho chi phí khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh", bác sĩ Tường chia sẻ.

So với các lĩnh vực y tế khác trong nước, chi phí để điều trị hiếm muộn, vô sinh vẫn còn cao. Thêm nữa, thu nhập của người dân Việt Nam ở mức trung bình. Do đó, dù chi phí điều trị thấp so với nước ngoài, đây vẫn là gánh nặng tài chính đối với những gia đình hiếm muộn, muốn có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Theo thống kê, hơn 20 năm kể từ khi thực hiện thụ tinh nhân tạo xuất hiện ở Việt Nam, số em bé chào đời bằng phương pháp này khoảng 100.000 trẻ, trên thế giới là trên 10 triệu trẻ.

"Rất nhiều cặp vợ chồng ở Việt Nam không đủ điều kiện kinh tế để làm thụ tinh trong ống nghiệm, nên số trẻ chào đời bằng phương pháp này so với số người vô sinh là rất thấp", bác sĩ Tường chia sẻ.

Ở một số nước phát triển, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cho người dân được nhà nước hỗ trợ toàn bộ. Trong khi đó, tình trạng mức sinh giảm đang xảy ra nhiều ở các nước Đông Á, nên các nước đã bắt đầu có chính sách chi trả một phần cho việc điều trị hiếm muộn, có con và chăm sóc con cái.

Ở độ tuổi đẹp nhất để sinh con, nhiều phụ nữ lại dành thời gian để cống hiến cho công việc. Ảnh minh họa: Pexels.

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho hay các phúc lợi về chi phí sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản cho nhân viên đã xuất hiện trên thế giới khoảng 15 năm nay, theo xu hướng tuổi kết hôn và có con ngày càng trễ. Khi tuổi càng lớn, việc có con sẽ khó hơn, nên những chính sách được đưa ra để duy trì khả năng sinh sản cho nhân viên.

"Trên 30 tuổi, khả năng sinh sản bắt đầu giảm, những người chưa có ý định kết hôn và sinh con nên đi kiểm tra sức khoẻ sinh sản, để phát hiện những bất thường và điều trị sớm. Can thiệp hỗ trợ sinh sản càng muộn, khả năng thành công sẽ càng thấp", bác sĩ Tường nhấn mạnh.

Đối với những phụ nữ chưa muốn có con dưới 35 tuổi, có thể lựa chọn trữ trứng. Đây là xu hướng giúp phụ nữ trẻ có nhu cầu dành nhiều thời gian để học tập, làm việc, có khả năng làm mẹ trong tương lai.

ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản TP.HCM chia sẻ trong hội thảo. Ảnh: Merck Việt Nam.

Theo bác sĩ Tường, chất lượng của buồng trứng giảm theo thời gian, nếu lớn tuổi mới có con thì chất lượng của thai kỳ sẽ giảm, thậm chí khó có con, sảy thai, tỷ lệ dị tật thai nhi tăng.

"Ở độ tuổi đẹp nhất để sinh con, nhiều phụ nữ lại dành thời gian để cống hiến cho công ty. Do đó, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm về vấn đề sức khoẻ sinh sản cho nhân viên, chi trả một phần chi phí là điều dễ hiểu. Nhiều công ty vẫn quên đi trách nhiệm này đối với nhân viên và xã hội", bác sĩ Tường chia sẻ.

Trao đổi với Tri thức - Znews về trách nhiệm chi trả phí thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản cho nhân viên, bà Ghislaine Dondellinger, Tổng giám đốc Merck Việt Nam, cho biết với kinh nghiệm 20 năm công tác quản lý và làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, bà nhận thấy một doanh nghiệp chăm sóc tốt cho nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp phát triển hơn.

Dù phụ nữ lựa chọn phát triển sự nghiệp trước khi kết hôn và sinh con, mỗi ngày, áp lực đó vẫn đè nặng trên vai họ. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm như hiện nay, các doanh nghiệp đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí thực hiện phương pháp sinh sản như thụ tinh ống nghiệm, điều trị vô sinh nam, trữ đông trứng và tinh trùng... cho nhân viên là điều cần làm.

"Chúng tôi đang thực hiện chính sách chi trả tối đa 410 triệu đồng, cho một nhân viên khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Phúc lợi này ra đời nhằm giải quyết được vấn đề sức khoẻ tinh thần, thể chất và tài chính cho nhân viên", bà Ghislaine nói.