Đậu nành (hay đậu tương) được các nhà dinh dưỡng học đánh giá rất cao vì giàu protein và lipid. Từ đậu nành có thể chế biến nhiều thức ăn ngon, như bột, sữa, đậu phụ, tào phớ, tương...

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100 g đậu nành có 34-40 g protein và khoảng gần 20 g lipid, nhiều hơn bất cứ một loại thịt động vật nào. Protein đậu nành ở dưới dạng casein thực vật không khác với casein động vật có trong sữa là bao. Chất protein này có phẩm chất cao, gồm đầy đủ các axit amin cần thiết cho sự phát triển và duy trì cơ thể con người như glycine, valine, leucine, tyrosine, agrinine, histidine, lysine, tryptophane, cysteine…

Hạt đậu nành còn là một thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng. Trong hạt đậu nành có gần đủ các vitamin, cả những vitamin tan trong nước như B1, B2, PP... và vitamin tan trong dầu như A và D, E , K, F.... Ngoài giá trị dinh dưỡng, đậu nành và các món ăn chế biến từ đậu nành còn có giá trị phòng và chữa bệnh rất quý, đặc biệt là khả năng làm hạ cholesterol máu đối với những người bị xơ vữa động mạch.

Nguyên nhân và cơ chế của bệnh xơ vữa động mạch rất phức tạp, trong đó cholesterol máu tăng cao là một biểu hiện quan trọng của bệnh. Nghiên cứu cho thấy, những người có cholesterol máu cao ăn khẩu phần bổ sung protein đậu nành (thay cho protein động vật) góp phần giúp hạ cholesterol máu. Chế độ ăn bổ sung đậu nành với 150 g đậu phụ, 80 g hạt đậu nành dùng hằng ngày chế biến thành các món ăn khác nhau đã làm hạ tỷ lệ cholesterol máu trung bình 10-20%. Chế độ ăn này còn làm hạ huyết áp ở gần 80% người bệnh có cholesterol máu cao kèm theo cao huyết áp.

Vì thế những người cao tuổi bị bệnh cao huyết áp, tăng cholesterol máu trong chế độ ăn hàng ngày nên bổ sung đậu nành hay các sản phẩm chế biến từ đậu nành để phòng trị xơ vữa động mạch.