Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ có không ít thay đổi. Và một trong những vấn đề khiến nhiều chị em bầu bí đau đầu chính là nhu cầu đi vệ sinh tăng lên rõ rệt. Nguyên nhân là do tử cung giãn ra cho em bé có không gian phát triển và chèn ép lên bàng quang.

Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu do không muốn làm gián đoạn công việc hoặc ban đêm không muốn thức dậy nhiều lần nên thường nhịn tiểu, lâu dần tạo thành thói quen xấu.

Nhịn tiểu khi mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, việc nhịn tiểu cực kỳ có hại với người bình thường và với mẹ bầu thì còn nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu thường xuyên nhịn tiểu trong thai kỳ mẹ bầu có thể phải đối mặt với những triệu chứng nguy hiểm sau:

Nhiễm trùng tiết niệu

Niệu đạo ngắn sẽ giúp vi trùng ngoài hậu môn và âm đạo có thể dễ dàng xâm nhập nếu bàng quang của mẹ bầu đầy ứ nước tiểu dẫn đến bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Biến chứng của nhiễm trùng tiết niệu là nhiễm trùng thận, suy thận, viêm bàng quang và tác động đến sức khỏe thai nhi.

Suy thai

Khi mẹ bầu nhịn tiểu lâu, bàng quang phình to ra do dung tích nước tiểu tăng có thể chèn ép ngược lại tử cung khiến bé bị gặp các vấn đề về hô hấp hoặc nhận dinh dưỡng nên trở nên yếu hơn.

Sinh non

Viêm bàng quang do nhịn tiểu gây ra cũng khiến mẹ bầu có thể phải sinh non. Các triệu chứng viêm bàng quang kích thích tử cung và gây nên các cơn co thắt ở mẹ bầu. Thậm chí viêm đường tiết niệu cũng gây ra các kích thích co thắt này khiến cho mẹ bầu sinh non.

Mẹ nên kiểm soát lượng nước uống vào để hạn chế số lần tiểu đêm. (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, nếu ban ngày, mẹ nên đi tiểu ngay khi cơ thể phát tín hiệu muốn "giải phóng". Còn ban đêm, nếu mẹ không muốn giấc ngủ bị gián đoạn thì có thể hạn chế số lần đi tiểu bằng các biện pháp dưới đây.

Kiểm soát lượng nước uống vào

Uống đủ nước là việc làm cần thiết khi mang thai nhưng trước khi đi ngủ 1-2 tiếng, mẹ không nên uống nước, sữa hay bất kỳ loại chất lỏng nào nếu không muốn đêm phải thức dậy đi tiểu.

Hạn chế ăn trái cây nhiều nước trước khi ngủ

Tương tự như việc uống nước, trước giờ đi ngủ mẹ cũng không nên ăn nhiều các loại trái cây nhiều nước như dưa hấu, bưởi, cam, dứa,...

Nằm ngủ nghiêng sẽ giúp giảm áp lực lên bàng quang. (Ảnh minh họa)

Nằm ngủ đúng tư thế

Nằm nghiêng khi ngủ sẽ giúp giảm áp lực lên bàng quang và từ đó giảm tần suất tiểu đêm. Hơn nữa, việc nằm nghiêng, đặc biệt là về phía bên trái cũng giúp em bé trong bụng mẹ nhận được nhiều oxy và khỏe mạnh hơn.