Lưỡi là một cơ quan vị giác, có chức năng giúp con người thực hiện các hoạt động nhai nuốt, nếm thức ăn và nói chuyện. Có thể khẳng định rằng, lưỡi đóng vai trò rất lớn để chúng ta cảm nhận hương vị của cuộc sống. Theo các chuyên gia, khi chúng ta mắc bệnh thì lưỡi sẽ xuất hiện một số dấu hiệu bất thường để cảnh báo, đặc biệt nhất là các đốm trắng.

 Đốm trắng trên lưỡi là dấu hiệu cho thấy vệ sinh kém hoặc mắc bệnh lý.

Thông thường, lưỡi trắng không phải là bệnh lý mà do bạn vệ sinh lưỡi chưa tốt, khiến các mảng bám phủ trên bề mặt lưỡi và tạo thành tình trạng lưỡi trắng. Bên cạnh nguyên nhân này, lưỡi trắng còn xuất hiện do các yếu tố khác tác động như:

- Không uống đủ nước, cơ thể thiếu nước.

- Do thói quen ngủ mở miệng, ngủ há miệng, thở bằng miệng…

- Lười đánh răng trước khi đi ngủ khiến vụn thức ăn và mảng bám không được loại bỏ.

- Thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá…

Lúc này, việc bạn cần làm chính là vệ sinh lưỡi sạch sẽ hàng ngày, chỉ cần duy trì thường xuyên sẽ khắc phục được. Tuy nhiên nếu vẫn không hết những đốm trắng này, bạn hãy cẩn thận bởi đây là dấu hiệu sớm của nhiều loại bệnh khác nhau. Bác sĩ y học gia đình kiêm trợ lý giáo sư lâm sàng tại Đại học Y Texas (Mỹ) - Jason R. McKnight, đã chia sẻ cụ thể như sau.

 Hãy cố gắng vệ sinh răng miệng hàng ngày để có nụ cười tự tin.

Lưỡi trắng là bệnh gì: Đó là dấu hiệu của 3 loại bệnh nguy hiểm này

1. Bệnh nấm Candida

Đây là loại bệnh nhiễm trùng nấm men do các nấm họ Candida gây nên. Thông thường chúng sống ở da, miệng, đường tiêu hóa và vùng sinh dục con người. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, Candida sẽ phát triển mạnh và gây bệnh ở nhiều bộ phận khác nhau. Tùy vào vị trí bị nhiễm mà xuất hiện dấu hiệu khác nhau.

Lấy ví dụ, ở miệng sẽ xuất hiện bệnh tưa miệng có biểu hiện là đốm trắng trên lưỡi và vòm miệng. Nấm Candida còn gây viêm thực quản, viêm da, viêm âm đạo… hoặc nặng nhất là nhiễm nấm toàn thân. Cần đi khám ngay khi mắc bệnh, bởi nếu chúng xâm nhập vào máu thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

 Bệnh nấm Candida trong miệng sẽ xuất hiện đốm trắng đậm màu trên lưỡi.

2. Bệnh HPV

HPV là một loại virus gây u nhú ở người, thường lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới bộ phận sinh dục mà còn lây tới miệng, lưỡi, cổ họng do quan hệ bằng miệng hoặc hôn nhau với người mắc bệnh. Theo nha sĩ Gary Cash (Mỹ), lúc này lưỡi sẽ nổi các mảng hoặc u nhú màu trắng.

Để phòng tránh bệnh này, bạn cần hoạt động tình dục thật an toàn. Nếu mắc phải thì cần đến viện sớm, bởi bệnh HPV nếu kéo dài sẽ trở thành nguyên nhân gây các loại ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn… Trong trường hợp nhẹ hơn, bệnh sẽ gây mụn cóc hoặc mụn rộp làm ảnh hưởng tới ngoại hình.

 HPV sẽ gây nhiệt miệng hoặc mụn rộp, mụn cóc mất thẩm mỹ.

3. Tiền ung thư hoặc ung thư

Nguyên nhân tiềm ẩn nguy hiểm nhất của các đốm trắng trên lưỡi chính là ung thư. Lấy ví dụ, bệnh bạch sản niêm mạc miệng thường có dấu hiệu là mảng trắng xám trên lưỡi, không chữa trị sớm sẽ tiến triển thành ung thư miệng hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy.

Theo các khảo sát, ung thư miệng chiếm 3% tổng số ca ung thư, còn ung thư biểu mô tế bào vảy lại chiếm đến 90%. Nếu nhận thấy những đốm trắng trên lưỡi mãi không biến mất, bạn cần gặp bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân. Tuyệt đối không được thử những phương pháp tự chữa trị tại nhà.

 Trong một số trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến ung thư.

Chúng ta cần vệ sinh răng miệng thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Miệng chính là "cổng vào" của cơ thể, do đó tình trạng răng miệng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể. Một chế độ chăm sóc răng miệng tốt sẽ mang lại cho bạn những lợi ích tuyệt vời, vừa giúp khỏe người lại còn tạo sự tự tin mỗi khi cười và giao tiếp.

Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng biết cách chăm sóc răng miệng tốt. Chính vì vậy, hãy tuân thủ những quy tắc sau để việc vệ sinh răng miệng được hiệu quả, bảo vệ răng và nụ cười tuyệt đẹp:

- Nên đánh răng 2 lần mỗi ngày, đánh thật nhẹ để tránh làm mòn men răng.

- Khi đánh răng đừng quên vệ sinh vùng lưỡi, đây là nơi mảng bám tích tụ nhiều bậc nhất trong khoang miệng, nếu không sạch sẽ gây bệnh hôi miệng.

- Dùng chỉ nha khoa để lấy những mẩu thức ăn nhỏ trong kẽ răng, giúp răng sạch hoàn toàn mảng bám và thơm tho hơn.

- Súc miệng ngay sau khi ăn để ngăn mảng bám dính chặt vào răng. Bạn có thể nhai kẹo cao su để làm sạch khoang miệng tự nhiên, nhưng hãy lựa các loại không đường hoặc ít đường.