Ngày 10/11, theo nguồn tin của Zing, VKSND TP.HCM tiếp tục ra lệnh tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) từ ngày 4/11.

Bà Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24/3. Hôm 24/10, gia đình bị can Nguyễn Phương Hằng có đơn gửi VKSND TP.HCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị được đặt tiền bảo đảm để bị can được tại ngoại chữa bệnh.

Ngày 3/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang VKSND TP.HCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24/3. Ảnh: Công an cung cấp.

Trao đổi với Zing, luật sư Dương Lê Ước An cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể cho phép bà Hằng được tại ngoại theo đề nghị của gia đình.

Theo luật sư An, về cơ sở pháp lý, có đầy đủ để người thân thích của bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện việc bảo lãnh.

Điều 121 về bảo lãnh, Điều 122 về đặt tiền để bảo đảm, Điều 123 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về cấm đi khỏi nơi cư trú cũng quy định: “Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, để có thể quyết định cho họ được áp dụng hay không”. Việc bị can, bị cáo được áp dụng tại ngoại sẽ phụ thuộc vào quan điểm, ý chí của chính cơ quan tiến hành tố tụng, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Bị can Nguyễn Phương Hằng bị truy tố tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với tội danh trên, bị can Hằng phải đối mặt với khung hình phạt 2-7 năm tù.

“Việc cơ quan tiến hành tố tụng cho bị can Hằng tại ngoại theo đề nghị của bị can và gia đình là khó. Bởi vụ án này còn liên quan đến có hay không vai trò đồng phạm của một số cá nhân khác và hiện cơ quan điều tra đang làm rõ. Nếu cho rằng việc bị can tại ngoại có thể làm ảnh hưởng quá trình đấu tranh làm rõ tội phạm cũng như để không bỏ lọt tội phạm, dù đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp bảo lãnh, đặt tiền bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú thay cho biện pháp tạm giam, cơ quan điều tra, viện kiểm sát vẫn có thể tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng”, luật sư An phân tích.

Ngoài ra, luật sư An cho biết trong thời gian tới, bà Hằng có khả năng được tại ngoại hay không còn phụ thuộc vào việc điều tra của cơ quan xem vụ án này có liên quan đến vai trò đồng phạm của một số cá nhân khác hay không.

Nếu vụ án này không liên quan đến vai trò đồng phạm của một số cá nhân khác và nếu bà Hằng có tính chất, mức độ hành vi phạm tội thấp, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, khả năng bà Hằng có thể sẽ được tại ngoại.