Việc xử lý các thông tin xấu độc trên mạng xã hội và thông tin sai lệch trên nền tảng số là những vấn đề được đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng, sáng 4/11.
3 quy định mới về livestream
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) dẫn chứng vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream, đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Ông đề nghị Bộ trưởng lý giải nguyên nhân khi chậm xử lý vi phạm của cá nhân này và trách nhiệm của Bộ.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vụ việc livestream của cá nhân Nguyễn Phương Hằng diễn ra lúc chưa có quy định pháp luật nào về quản lý hành vi livestream. Vì vậy, xử lý vụ này phải theo quy định cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.
Sau đó, Bộ TTTT đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream. Cụ thể, hoạt động này chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được thực hiện; cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.
Đại biểu Lê Hoàng Anh sau đó tiếp tục đăng ký tranh luận và nêu lại câu hỏi về trách nhiệm của Bộ cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân quản lý Nhà nước để xảy ra các sai phạm trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu trả lời trước đó và cho biết khi cá nhân Nguyễn Phương Hằng livestream thì chưa có quy định về việc này. Nhưng sai phạm đã được xử lý gọn gàng với bước xử phạt hành chính và chuyển công an điều tra.
Sau vụ việc trên, Bộ đã đưa vào luật để quy định rõ với những hoạt động livestream.
"Tôi tự tin khẳng định cơ quan của Bộ TTTT không có chuyện có tiền thì làm, không có tiền thì không làm. Trong chế độ của chúng ta không có chuyện này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Xử lý SIM không chính chủ
Chất vấn về nội dung sai phạm trên nền tảng số, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đặt vấn đề thời gian qua, tình hình lừa đảo tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng, đá gà đánh bài qua mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trả lời, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ đã công khai các đầu số điện thoại, website để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm.
Ngoài ra, năm 2020, Bộ TTTT đã rà quét và ngăn chặn gần 1.700 website có dấu hiệu lừa đảo. Theo Bộ trưởng, nếu không ngăn chặn thì sẽ có 3,1 triệu người truy cập các trang web này và xác suất bị lừa đảo là rất lớn.
Ngoài ra, Bộ đang tập trung xử lý SIM rác - phương tiện thực thi hoạt động lừa đảo. Việc này có 3 công đoạn là: Xóa khỏi hệ thống thuê bao không có đầy đủ thông tin, xác minh thông tin của người sử dụng thuê bao và xử lý SIM không chính chủ.
Nối tiếp nội dung này, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đặt vấn đề về việc lợi dụng SIM rác để tung tin sai lệch, chống phá và đưa câu hỏi đến bao giờ môi trường mạng của Việt Nam mới được quản lý chặt chẽ.
“Các đại biểu rất mong muốn bao giờ chúng ta xử lý triệt để, nhưng triệt để theo nghĩa bằng 0 thì sẽ khó để làm được. Vẫn còn những tồn tại để có động lực làm tiếp nhưng chúng ta sẽ đưa nó về mức chấp nhận được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời.
Theo ông, 100% số SIM hiện có đủ dữ liệu. Về kiểm soát dữ liệu người dân cung cấp đúng theo dữ liệu dân cư, Bộ đã kiểm soát được 1/4, còn 3/4 sẽ làm trong năm nay và cùng lắm đến đầu năm sau.
"Chúng tôi đặt mục tiêu xử lý SIM không chính chủ bắt đầu từ cuối năm nay, bằng cách thanh tra các nhà mạng liên quan đến việc một người dùng nhiều SIM", ông Hùng nói.