Gia tăng gánh nặng bệnh tim mạch

Ngày 2/11, tại buổi họp báo Đại hội khoa học tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch thường trực Hội đánh giá, không riêng ở nước ta, trên thế giới, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tắc nghẽn mãn tính... đều có xu hướng tăng.

Các chuyên gia tại buổi họp báo (Ảnh: Hồng Hải).

Theo số liệu của Liên đoàn Tim mạch thế giới, mỗi năm khu vực ASEAN có khoảng 4 triệu người chết vì bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch.

GS Lân Việt cũng đánh giá, trong 10-15 năm qua ngành tim mạch Việt Nam có bước tiến rõ, có khả năng áp dụng gần như tất cả kỹ thuật tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

"Trước đây nhiều bệnh nhân phải ra nước ngoài chữa bệnh tim mạch, giờ thì gần như rất ít, người dân được tiếp cận các kỹ thuật hiện đại ngay ở trong nước", GS Lân Việt thông tin.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam đánh giá, ngành tim mạch Việt Nam phát triển năng động.

"Chúng ta có thể triển khai các kỹ thuật mới nhất trên thế giới không quá muộn, thậm chí có những kĩ thuật bác sĩ Việt chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ thế giới, như trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, các thầy thuốc Việt Nam được mời tới nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc tim mạch phải ra nước ngoài gần như không còn, rất ít. Đối với bệnh tim bẩm sinh, hiện nay ở nước ta, có tới 80% bệnh nhân không phải can thiệp mổ", PGS.TS Hùng cho biết.

Tại Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 sẽ diễn ra từ ngày 2 - 5/11 tại Hà Nội với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội", các bác sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của thế giới, và cũng chia sẻ những kĩ thuật, thành tựu mà ngành tim mạch Việt Nam đạt được.

Đại hội có sự tham gia của 2.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu đến từ nhiều nước trên thế giới..

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Tim mạch học Việt Nam với hơn 180 phiên khoa học bao gồm gần 800 bài báo cáo.

Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như: Can thiệp tim mạch, Siêu âm tim, Điều trị rối loạn nhịp tim … thì năm nay, chương trình Đại hội sẽ có thêm những phiên khoa học đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)…

Phòng bệnh tim mạch: Thay đổi lối sống, kiểm soát yếu tố nguy cơ

Theo GS Lân Việt, tỉ lệ gia tăng bệnh tim mạch, ngoài vấn đề tuổi tác, thì môi trường, lối sống đều góp phần tác động. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa có kiến thức chủ động phòng bệnh tim mạch.

"Họ không hiểu rõ những yếu tố nguy cơ tim mạch chính là gì, không chủ động điều chỉnh lối sống, vẫn ăn nhiều chất béo, đồ ăn nhanh; vẫn lười tập luyện, chưa chú trọng khám sức khỏe định kỳ, nên đa số người dân trong cộng đồng phát hiện bệnh tim mạch muộn", GS Lân Việt nói.

Cùng quan điểm này, GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sẽ giúp phòng tránh được bệnh tim mạch.

Ngoài các yếu tố truyền thống như các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, các yếu tố môi trường bụi, tiếng ồn cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đặc biệt, lối sống đô thị hóa với sự bận rộn công việc làm tăng nguy cơ stress, ít thời gian vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh... cũng là yếu tố làm gia tăng bệnh lý tim mạch.

"Chúng ta thấy, hiện nay nhóm tuổi trẻ có xu hướng béo phì tăng lên rất nhanh. Các bạn trẻ ngồi trước máy tính, ti vi nhiều hơn là ra đường vận động, tăng nguy cơ béo phì, rối loạn mỡ máu, huyết áp cao", GS Minh thông tin.

Vì thế, hãy vận động đều mỗi ngày 30 phút như đi bộ, đạp xe, hay bơi lội...; ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế đồ ăn nhanh, đồ nhiều chất béo; hạn chế hút thuốc, bia rượu; kiểm soát các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.