Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu, chịu trách nhiệm loại bỏ chất thải do thận sản xuất.

Ở người bình thường, bàng quang có thể chứa được khoảng 300ml nước tiểu. Khi nước tiểu đầy sẽ có phản xạ buồn tiểu. Lúc này, thành bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài. Sau đó bàng quang co lại và tiếp tục chứa đựng nước tiểu từ thận xuống.

Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu, chịu trách nhiệm loại bỏ chất thải do thận sản xuất - Ảnh minh họa: Internet

Các thói quen sai lầm hàng ngày khiến sức khỏe bàng quang bị suy giảm, thậm chí đe dọa đến tính mạng như nhiễm trùng hệ tiết niệu. Do đó, chúng ta nên có những thay đổi tích cực để duy trì sức khỏe bàng quang, ngăn ngừa tình trạng suy nhược và làm giảm các cơn đau thắt.

Dưới đây là những thói quen tốt bạn nên làm để bảo vệ sức khỏe của hệ tiết niệu nói chung và bàng quang nói riêng.

Vệ sinh đúng cách

Vệ sinh không đúng cách sau mỗi lần đại tiện, tiểu tiện sẽ khiến vùng kín dễ dàng mắc phải các chứng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến bàng quang.

Vệ sinh không đúng cách sau mỗi lần đại tiện, tiểu tiện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bàng quang - Ảnh minh họa: Internet

Bạn cần nắm kỹ các thao tác làm sạch hậu môn và vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh. Đặc biệt là phụ nữ, việc vệ sinh đúng cách sẽ giữ cho khu vực xung quanh âm đạo sạch sẽ, khô ráo. Từ đó, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và đi vào bàng quang.

Uống đủ nước

Uống đủ nước mỗi ngày là cách đơn giản giúp thanh lọc thận và bảo vệ bàng quang hiệu quả. Tùy vào thể trạng của từng người mà nên uống lượng nước lọc khác nhau. Bên cạnh đó, nên hạn chế các loại đồ uống có ga, nhiều đường, chất làm ngọt,... để bảo vệ sức khỏe nói chung và cơ quan bài tiết nói riêng.

Uống đủ nước mỗi ngày là cách đơn giản giúp thanh lọc thận và bảo vệ bàng quang hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, nếu mắc phải các bệnh về thận, tim, gan, phổi thì không nên uống nhiều nước. Trong trường hợp này, bạn nên uống lượng nước vừa đủ tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu Bệnh viện quận Phú Nhuận cho biết: "Mỗi ngày bạn nên uống đủ nước để hỗ trợ các cơ quan bài tiết, giảm áp lực đào thải của thận và tốt cho bàng quang. Việc uống nước không đồng nghĩa với uống nước có ga, nhiều đường, chất tạo ngọt,...

Tuy nhiên, khi mắc bệnh suy thận, suy tim,... bạn không nên uống quá nhiều nước. Nên hỏi ý kiến bác sĩ và uống lượng nước vừa đủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị".

Không nín tiểu

Trong một số trường hợp, chúng ta thường nín tiểu do bận công việc hay lười. Về lâu dài, thói quen này rất có hại cho thận và bàng quang.

Nước tiểu chứa nhiều vi khuẩn cùng các chất thải khác nhau. Khi giữ nước tiểu quá lâu, các chất thải này sẽ tích tụ dễ dẫn đến bệnh sỏi thận. Đồng thời, thói quen này khiến cơ quan bàng quang có thể yếu dần, hình thành sỏi bàng quang, về lâu dài sẽ không còn hoạt động tốt.

Khi giữ nước tiểu quá lâu, các chất thải sẽ tích tụ dễ dẫn đến bệnh sỏi thận - Ảnh minh họa: Internet

"Nước tiểu chứa các chất thải, khi bị ứ trong bàng quang sẽ là môi trường tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng đường tiểu. Nhiều người thường có thói quen nín tiểu nên rất dễ bị mắc phải các bệnh sỏi thận, viêm thận, bể thận cấp,...

Thói quen nhịn tiểu khiến nước tiểu lắng đọng trong bàng quang, góp phần gây ra bệnh sỏi đường niệu. Đây là thói quen rất xấu, gây nguy hại cho sức khỏe" - Bác sĩ Võ Hoài Ân chia sẻ.

Tránh táo bón

Hoạt động của nhu động ruột có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bàng quang. Theo đó, khi nhu động ruột gặp trục trặc sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên bàng quang, khiến cơ quan này dần suy yếu theo thời gian. Đặc biệt, khi bị táo bón, bàng quang càng bị tác động xấu do nhu động ruột gặp phải vấn đề.

Khi bị táo bón, bàng quang sẽ bị tác động xấu do nhu động ruột gặp phải vấn đề - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Đồng thời, nên luyện tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy quá trình nhu động ruột.