Ân hận vì trồng răng sứ

Hai năm trước, chị Ngô Thúy Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đi bọc răng sứ thẩm mỹ. Chị Hà kể chị mặc cảm vì hàm răng xấu nhiễm Tetracycline gây đen sạm xịt. Ngay sau đó, chị Hà đã tìm tới các cơ sở thẩm mỹ răng xin tư vấn. Bác sĩ tư vấn trường hợp của chị Hà chỉ bọc răng thẩm mỹ là nhanh nhất.

Nhìn ảnh những nụ cười tỏa sáng, chị Hà không ngần ngại chỉ hơn 100 triệu đồng để mua nụ cười tự tin cho mình. Sau khi trồng răng sứ, chị Hà tự tin hơn hẳn nhưng niềm vui không kéo dài được lâu, chị Hà đã bị viêm lợi, tụt lợi và thường xuyên đau buốt răng.

Chị đến phòng nha nhiều lần chỉ nhận được những lời như bôi thuốc và đủ các lý do nhưng không thể tìm được nơi bảo hành cho mình. Cuối cùng, chị Hà đã phải vào bệnh viện cầu cứu bác sĩ. Bác sĩ cho biết chị Hà bị tụt lợi và viêm lợi cấp tính do biến chứng của bọc răng sứ thẩm mỹ. Bên ngoài hàm răng trắng, kho bóc hết răng sứ bọc chụp làm vùng răng lợi bị tổn thương nặng nề.

Bọc răng sứ thẩm mỹ - Ảnh minh họa: Internet

Không riêng gì chị Hà, Đỗ Thị Nhung (24 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) cũng từng khóc ân hận vì đã làm răng sứ thẩm mỹ. Khi ra trường, Nhung luôn thích có hàm răng đều như bắp. Nụ cười bắt đầu mọi cuộc giao tiếp, "cái răng, cái tóc là góc con người" nên Nhung đã xin tiền mẹ để trồng răng sứ. Nhưng chị chỉ trồng 12 chiếc răng với giá hơn 80 triệu đồng. 

Tuy nhiên, sau trồng răng, răng của Nhung thường xuyên đau, buốt và khó ăn, nhai. Sự thật về răng sứ chắc khỏe không còn được như quảng cáo. Mỗi lần ăn gì hơi nóng chút là buốt nhức đến óc. Khi đi khám, bác sĩ tháo răng sứ bọc ra thì đó là một hàm răng tổn thương nặng nề do bị chết tủy và bác sĩ không biết để lấy tủy ra. Đây là biến chứng rất hay gặp khi làm răng sứ thẩm mỹ.

Bọc răng sứ có nguy cơ biến chứng gì?

TS Phạm Mạnh Hà, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, chia sẻ nhu cầu làm răng sứ hiện nay khá cao và vai trò của răng sứ trong điều trị các bệnh lý về răng như răng mẻ, răng bị vỡ, răng bị thưa… rất lớn.

Những bệnh nhân bị nhiễm xỉn răng nội sinh hoặc tetracycline, bệnh nhân không muốn chỉnh nha hay những bệnh nhân nhiễm màu răng nội sinh mức độ nặng, các phương pháp tẩy trắng không hiệu quả thì có thể làm chụp sứ hoặc mặt dán sứ để có bộ răng thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, với những người có nhu cầu làm răng thẩm mỹ hết sức cẩn trọng vì làm răng sứ thẩm mỹ cũng có thể gây ra nhiều biến chứng.

Hình ảnh biến chứng do bọc răng sứ - Ảnh minh họa: Internet

Biến chứng hay gặp nhất hiện nay đó là để đạt tính thẩm mỹ cao nhiều bác sĩ đã mài răng của người bệnh nhiều quá. Mài răng quá đà gây ra nhiều hệ luỵ như chết tủy răng do răng sống mài quá nhiều mô răng; mòn răng đối diện do khớp cắn chỉnh không tốt; gãy thân răng và chụp sau khi ăn nhai một thời gian…

Có những trường hợp mài sâu quá gây ra hiện tượng tụt lợi của người bệnh và thâm nhiễm gây viêm chân răng.

Biến chứng hay gặp nữa là hiện tượng răng bị chết tuỷ nhưng người làm không biết và không lấy ra gây đau răng, ê buốt và thậm chí tổ chức viêm vào tận xương hàm. Những trường hợp biến chứng do mài răng để chụp răng sứ thẩm mỹ điều trị thường cần nhiều thời gian và người bệnh phải hết sức kiên trì.

Khi bọc răng sứ đòi hỏi chăm sóc răng rất nhiều và ăn uống cũng không thể thô bạo như răng thường. Người bọc răng sứ không vệ sinh, chăm sóc răng miệng tốt dễ gây ra các tổ chức viêm quanh chân răng do bị dắt thức ăn ở các “lỗ hổng” chụp răng sứ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập kẽ răng, cổ răng. Đó là lý do tại sao cần lưu ý sau khi bọc răng sứ phải có cách chăm sóc và bảo quản răng nhiều hơn.

TS Hà khuyến cáo nếu không cần thiết và công việc không quá đòi hỏi thì không nên chụp răng sứ. Đối với các trường hợp răng quá xấu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và thẩm mỹ, cần tìm đến các phòng khám nha khoa uy tín để được khám và tư vấn xem việc làm răng bọc sứ thẩm mỹ có thật sự cần thiết và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.