Loại ung thư khiến người bệnh không thể ăn uống, hơi thở có mùi nồng nặc
Nằm trên giường bệnh, bà P.T.H (54 tuổi, Khánh Hòa) dù tỉnh táo nhưng chư thể nói được vì mới trải qua ca phẫu thuật đặc biệt: cắt khối ung thư lưỡi và tái tạo lưỡi.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bà H. nhập viện với chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn cuối, được hóa trị 3 đợt rồi bước vào ca phẫu thuật. Đây là trường hợp rất khó điều trị vì hạch lớn dính vào động mạch cảnh.
Sau khi nạo hạch hai bên, cắt khối bướu, bác sĩ đã lấy cơ và da ở ngực để tái tạo cho bà H. một chiếc lưỡi mới. Ê-kíp mất hơn 7 giờ để hoàn thành ca phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ phải tiếp tục tập luyện để nói và nuốt một cách bình thường nhất.
Tuy nhiên, ngày tháng bà H. sống với những cơn đau, ăn cháo bằng ống hút và mùi hôi trong miệng cũng đã tạm kết thúc.
“Chưa nói đến chuyện kéo dài sự sống nhưng phẫu thuật và tái tạo lưỡi cho người bệnh ung thư lưỡi giúp họ hết đau đớn. Nhiều người nói với tôi dù chết họ cũng muốn phẫu thuật”, bác sĩ Khôi nói. Hiện nay, tỷ lệ thành công của kỹ thuật này là 96,7%.
Đáng chú ý, bác sĩ Khôi cho hay thời gian qua ông tiếp nhận nhiều ca ung thư lưỡi trẻ tuổi, thậm chí thuộc thế hệ “Gen Z”. Nếu như khoảng 10 năm trước, bệnh nhân ung thư lưỡi chủ yếu ở nhóm 50-60 tuổi, hiện nay, bệnh nhân dưới 40 tuổi khá nhiều.
Hầu như mỗi tháng, bác sĩ đều tiếp nhận trường hợp ung thư lưỡi dưới 30 và 20 tuổi. Tuổi càng trẻ, tiên lượng lại càng xấu, bệnh diễn tiến rất nhanh và nguy cơ tái phát cao hơn.
Ví dụ, bệnh nhân L. (20 tuổi, Đồng Tháp) phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn 2 vào tháng 4/2022. Bệnh nhân được phẫu thuật và lấy da đùi tái tạo lưỡi, sau đó xạ trị 22 tia, hóa trị 4 đợt. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, bệnh diễn tiến nặng nề, lưỡi bị hoại tử toàn bộ. Anh L. không thể ăn uống, nói chuyện và phụ thuộc vào chăm sóc giảm nhẹ.
“Cần có những nghiên cứu dịch tễ học để có thể kết luận về xu hướng trẻ hóa của ung thư lưỡi. Tuy nhiên, một thống kê về loại ung thư này ở nước châu Âu từ năm 1975-2025 cho thấy sau 30 năm, số lượng bệnh nhân trẻ tăng gấp 6 lần. Việt Nam khó tránh khỏi quy luật này”, ông nói.
Theo bác sĩ Khôi, nhiều trường hợp ung thư lưỡi phát hiện muộn do người bệnh chủ quan, nghĩ rằng sức khỏe tốt nên không đi khám khi có dấu hiệu nghi ngờ. Ngoài ra, triệu chứng ung thư lưỡi dễ gây nhầm lẫn với viêm loét lưỡi thông thường nên ở tuyến dưới, người bệnh có thể bị bỏ sót.
Ung thư lưỡi không phổ biến nhưng khiến người bệnh khổ sở và thường điều trị trễ, cơ hội sống và chất lượng sống của bệnh nhân đều giảm sút nghiêm trọng. Ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống còn sau 2 năm chỉ khoảng 40%. Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, mỗi năm, cơ sở chuyên khoa này tiếp nhận từ 150-200 trường hợp ung thư lưỡi, 70% trong đó ở giai đoạn muộn.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Tường Linh, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ung thư lưỡi là tình trạng tế bào tăng sinh một cách bất thường thành tế bào ung thư. Bệnh có nhiều tác nhân như sử dụng thuốc lá, rượu bia, vệ sinh răng miệng kém...
"Đa số bệnh nhân có tình trạng sùi hoặc loét ở bề mặt lưỡi. Các nốt loét và sùi này không biến mất theo thời gian mà kéo dài. Nếu sau 2 tuần, vết loét không tự phục hồi, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám", bác sĩ Tường Linh nói.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.