Ung thư phổi tại Việt Nam

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ trên Báo Dân Trí cho biết, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam với 26.262 ca mỗi năm. 

Đây còn được xem là căn bệnh đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam, với khoảng hơn 26.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng nói, số ca tử vong rất cao, khoảng 23.000 ca tử vong. Thuốc lá là thủ phạm gây ra 90% ca ung thư phổi.

Hình ảnh u phổi trên phim chụp của bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

Tại Việt Nam, tỉ lệ người phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn lên đến 75%. Nếu được phát hiện sớm, ung thư phổi hoàn toàn được kiểm soát. Cụ thể, ở giai đoạn 1, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Còn ở giai đoạn 2, 3, ngoài phẫu thuật (nếu có thể), người bệnh cần phải kết hợp hóa trị, xạ trị, dùng thuốc điều trị đích với chi phí gấp vài chục lần. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị tốn kém, không hiệu quả.

Bệnh diễn biến xấu

Theo VietNamNet, bà N.T.L. (66 tuổi, trú tại Hà Nội) vào viện khám vì đau ngực trái, ho khan. Bệnh nhân ở nhà xuất hiện đau ngực trái tăng dần khoảng 15 ngày kèm theo ho khan, không sốt, không khó thở.

Bệnh nhân đi khám chụp X-quang tình cờ phát hiện khối u ở phổi trái nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để khám, chẩn đoán và điều trị. Tại đây, bác sĩ chỉ định sinh thiết xuyên thành ngực khối u phổi dưới hướng dẫn chụp cắt lớp vi tính, kết quả mô bệnh học và hóa mô miễn dịch cho thấy bà bị ung thư biểu mô tế bào nhỏ.

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi. Ảnh: Internet

Bệnh nhân có thể trạng kém, không thể tiến hành hóa xạ trị đồng thời. Vì vậy, bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất trước để giảm bớt triệu chứng sau đó sẽ cân nhắc xạ trị. Mặc dù, ung thư phổi tế bào nhỏ đáp ứng tốt với hóa trị (tỷ lệ đáp ứng là 70-80% với khoảng 50% bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn với hóa trị ở giai đoạn khu trú) nhưng tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ từ 5% đến 10% do bệnh tái phát.

Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khu trú nếu không được điều trị thời gian sống khoảng 2 đến 4 tháng, ở giai đoạn muộn là 6-9 tuần.

Phòng ngừa ung thư phổi

Theo VnExpress, giảm rủi ro nghề nghiệp, tránh hút thuốc, ăn nhiều trái cây và rau củ, tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

- Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư phổi. Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại như formaldehyde, benzen, asen. Những hóa chất này làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác. Giảm tiếp xúc với thuốc lá thụ động, bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số cách có thể giúp bạn bỏ thuốc lá như liệu pháp thay thế nicotin, cai thuốc bằng cách ăn kẹo mỗi khi thèm thuốc...

- Giảm rủi ro nghề nghiệp: Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xác định một số tác nhân nghề nghiệp là chất gây ung thư phổi bao gồm: thạch tín, amiăng, bis-chlorometyl ete, berili, cadmi, crom, silica tinh thể, niken, radon, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhôm, khói từ than cốc và khí hóa than. Nguy cơ ung thư phổi thay đổi tùy vào từng chất gây ung thư và thời gian tiếp xúc. Nếu làm việc trong môi trường có các chất gây ung thư, người lao động cần trang bị phương tiện bảo hộ phù hợp.

- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư phổi. Tăng cường ăn trái cây, rau củ, protein nạc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Các thực phẩm như táo, bông cải xanh bina, cá, tỏi, ớt đỏ, gà, hành củ có lợi cho chế độ ăn uống ngăn ngừa ung thư.

- Hạn chế uống rượu: Rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến - một loại ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi ở những người uống bia, rượu mỗi ngày tăng 11% so với người không uống.

- Luyện tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. Tập thể dục làm cải thiện chức năng phổi, giảm nồng độ chất gây ung thư trong phổi, cải thiện chức năng miễn dịch và giúp tăng cường khả năng sửa chữa DNA bị hỏng trong các tế bào phổi. Lợi ích này tăng lên tỷ lệ thuận với cường độ và thời gian tập. Tập thể dục hỗ trợ giảm ung thư phổi ở cả những người từng hút thuốc.

- Cân nhắc về thực phẩm bổ sung: Đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy chất bổ sung có thể ngăn chặn ung thư nói chung, ung thư phổi nói riêng. Việc bổ sung không đúng cách có thể dẫn đến tác dụng ngược, làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở một số người. Mọi người có thể bổ sung các vi chất, khoáng chất hoặc thực phẩm bổ sung khi bác sĩ xác định tình trạng thiếu hụt trong cơ thể và được chỉ định.

- Khám sức khỏe định kỳ: Sự phát triển của y học hiện đại có thể giúp bác sĩ phát hiện ung thư phổi từ giai đoạn sớm. Sàng lọc, phát hiện sớm giúp điều trị dễ dàng hơn, giảm nguy cơ tử vong do bệnh.