Loại thuốc gì khiến người phụ nữ lưu lạc Trung Quốc 22 năm mất trí nhớ?
Những ngày qua, sự việc chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi, ở Bạc Liêu) trở về đoàn tụ với gia đình sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc khiến ai cũng xúc động. Sau nước mắt trùng phùng, chị Hon kể lại ngày định mệnh của cuộc đời mình - ngày chị được ăn bữa cơm, uống ly nước rồi… không biết mình là ai. Từ đó, chị bị bán sang Trung Quốc, bắt đầu 22 năm dài khổ sở ở xứ người.
Đến nay, chị Hon vẫn không biết bản thân uống phải thuốc gì, chỉ biết khi tỉnh dậy, chị không biết mình là ai, mọi ký ức bị xóa sạch, muốn hỏi mọi người xung quanh nhưng chị như một người câm, không nói được suốt ba năm. Vậy loại thuốc nào xóa sạch được trí nhớ?
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về tình huống trên, ngày 8/7, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho hay, mất trí nhớ thường xảy ra do một người đang mắc bệnh, hay lý do nào đó làm cơ thể bị tổn thương, gặp chấn động về tâm lý, hoặc lạm dụng thuốc dẫn tới suy giảm trí nhớ. Tùy theo những tổn thương về não, các vùng thần kinh bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Thông thường, người bị mất trí nhớ chưa có biểu hiện điển hình, mà bác sĩ vô tình phát hiện khi khám bệnh, hay người thân, quen nhận thấy những thay đổi trong hành vi, ứng xử. Người bệnh có thể không nhớ số điện thoại của mình, quên tên người thân, nhầm lẫn về thời gian trong ngày, trong tuần. Tình trạng nặng, người bệnh không còn có thể diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ, thậm chí không biết bản thân mình là ai.
Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân đột ngột bị mất trí nhớ như trường hợp của chị Hon. Những người này cần được giúp đỡ càng sớm càng tốt, tránh gây sốc tâm lý, sợ hãi, hoang mang và rối loạn lo âu do người bệnh lúc nào cũng tự hỏi mình là ai.
Trong lúc này, muốn biết chính xác chị Hon bị cho uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và những ảnh hưởng về trí nhớ sẽ rất khó khăn do sự việc diễn ra đã quá lâu.
Các bác sĩ cần phải khai thác bệnh sử như chị bị cho uống thuốc một lần mà mất hết trí nhớ, hay còn bị ép uống theo thời gian cố định nào không, nếu không uống thuốc, chị có bị mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng, mất ngủ?... Ngoài ra, chị cần được thực hiện nhiều xét nghiệm lâm sàng, hành vi, các di chứng do thuốc gây ra.
“Nếu đúng như lời kể của chị Hon, chị uống một lần đã mất trí nhớ và không thể nói chuyện được, rất có thể chị uống cùng một lúc lượng lớn thuốc liên quan đến thần kinh như thuốc an thần, giảm đau, thuốc điều trị động kinh, thuốc chống trầm cảm… Sau đó, thông qua việc ăn, uống, chị sử dụng liên tục thuốc thuộc nhóm gây ức chế thần kinh mà không hay biết.
May mắn, hệ thần kinh trung ương của chị Hon chỉ tạm thời “ngủ quên” chứ không bị ảnh hưởng nặng nề nên khi có điều kiện thích hợp, chị sẽ có cảm giác về ký ức của mình. Quan trọng hơn, chị đã cố gắng đi tìm mình chứ không bỏ mặc những cảm giác đó”, bác sĩ nói thêm.
Còn tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh - Trưởng bộ môn Gây mê hồi sức Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ nghe việc một người mê man, không biết gì khi bị kẻ xấu dùng thuốc mê lừa gạt. Nhưng tình huống này chỉ xảy ra khi bị “đánh” thuốc mê, nhưng khi hết thuốc sẽ trở lại bình thường, chỉ không nhớ chuyện gì đã xảy ra.
Do đó, việc chị Hon bị quên gần hết trí nhớ về quá khứ nhưng lại nhớ người thân, gia đình có thể bị tác động của môi trường sống, chấn thương tâm lý. Tôi từng chứng kiến một bác sĩ người Pháp sau vài chục năm sống ở Mỹ đến khi quay trở về Pháp thì rất khó khăn để nói tiếng mẹ đẻ, vì suốt thời gian đó anh không nói tiếng Pháp”.
Một số thuốc có thể gây mất trí nhớ khi sử dụng thời gian dài
Các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần chia sẻ: khi sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm thuốc an thần Benzodiazepine để điều trị rối loạn lo âu, mất ngủ… thuốc làm suy giảm hoạt động của não bộ, suy yếu các tế bào thần kinh.
Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng có tác dụng ức chế sự hoạt động của những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não.
Nhóm thuốc được sử dụng để giảm đau mạn tính, các loại thuốc này gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương nhằm “đánh lạc hướng” làm cho bộ não không ghi nhận những thông tin về cảm giác đau, một người sử dụng trong thời gian dài ngoài mất trí nhớ còn gây nghiện.
Thuốc chống co giật được chỉ định trong điều trị co giật, đau thần kinh, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần và hưng cảm.
Ngoài ra, thuốc điều trị Parkinson, thuốc điều trị mỡ trong máu, nhóm thuốc thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực… cũng có thể khiến trí nhớ suy giảm bất thường nếu không sử dụng đúng liều lượng bác sĩ chỉ định.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....