Một tháng uống nước giảm 3-5kg dù không ăn kiêng, tập luyện 

Sau sinh con thứ hai xong, chị Phan Hoàng Lan (33 tuổi, Đắk Lắk) tăng cân mất kiểm soát. Có chiều cao 1m60, nhưng cân nặng của chị hơn 67kg, vòng eo 85cm. Với cân nặng này khiến chị tự ti, khó chọn vừa size khi đi mua quần áo. Khi đi khám sức khỏe định kỳ, chị Lan được bác sĩ cảnh báo bị gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ, có nguy cơ bị tiểu đường nên cần giảm cân ngay.

Chị Lan cho biết, sau khi áp dụng nhiều phương pháp giảm cân nhưng không hiệu quả, chị chọn uống nước lá nam theo một người quen đã áp dụng thành công “mách”. “Loại nước tôi uống tổng hợp từ 10 vị của lá nam và thảo quả gồm: vỏ bưởi non, giảo cổ lam, cam non, lá sen, thảo quyết minh, sơn trà, cam vãn, hoa nhài, phan tả diệp, cỏ ngọt”, người phụ  nữ sinh năm 1991 chia sẻ.

 

Các nguyên liệu chị Lan dùng nấu nước uống hàng ngày thay nước lọc. Ảnh: NVCC.

Một liệu trình sử dụng của loại nước này là một tháng, nấu nước uống hằng ngày, uống thay nước lọc. Ăn uống bình thường, phải kiêng đường, chất béo và nước ngọt có ga. 

Về vận động, dù không tập luyên các bài tập được nhiều người áp dụng để giảm cân như đi bộ, chạy bộ, tập gym, yoga… nhưng chị Lan làm việc nhà, làm vườn, làm rẫy mỗi ngày. Chị cho biết, các công việc này không chỉ khiến mồ hôi ra nhiều mà là cách vận động hiệu quả. “Uống nước trong vòng 3 tháng, tôi giảm từ 65kg xuống còn 55kg”, chị Lan nói.

Vòng eo của chị Lan cũng giảm xuống còn 68cm. Vùng bụng ngấn mỡ trước đây cũng đã giảm đi rất nhiều. Điều đặc biệt, dù giảm cân trong thời gian ngắn, sức khỏe chị Lan vẫn bình thường. Mới đây, chị Lan đi tái khám, các kết quả xét nghiệm về gan nhiễm mỡ, tiểu đường, mỡ máu đều có chỉ số bình thường. 

Dùng thảo dược giảm cân không rõ nguồn gốc, coi chừng “lợi bất cập hại” 

Theo TS.DS Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thừa cân, béo phì không chỉ là tăng cân đơn thuần, nó là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý khác, trong đó đáng chú ý là các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường type 2, rối loạn lipid huyết, rối loạn chuyển hóa acid uric, có thể gây cơn gout cấp. 

Chị Lan uống nước giảm cân này trong 3 tháng. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Về lý do thẩm mĩ, nhiều phụ nữ xem tăng cân và béo phì như là nỗi ám ảnh, dẫn đến việc nhiều người nôn nóng trong việc giảm cân một cách nhanh chóng bất chấp các rủi ro.

Đánh vào tâm lý muốn có tác dụng nhanh nhưng lại lo sợ tác dụng phụ, nhiều sản phẩm mang danh “có nguồn gốc tự nhiên” được quảng cáo một cách rầm rộ trên các trang mạng như các loại trà, thuốc, thực phẩm chức năng được chiết xuất từ thảo dược và “hoàn toàn không có tác dụng phụ”. Thậm chí, một số bài thuốc chứa dược liệu thiên nhiên còn được quảng cáo có thể uống thay nước lọc để giảm cân, giảm mỡ máu, gian nhiễm mỡ mà không cần phải ăn kiêng, tập thể dục như loại nước mà chị Lan đã uống. Điều này mang lại rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí “tiền mất tật mang”. 

Theo Tiến sĩ Triết, thành phần của một thảo dược vô cùng phức tạp với hàng trăm, hàng nghìn các hợp chất cùng tương tác, tạo ra tác dụng điều trị của thảo dược đó. Các hợp chất này có tác dụng lên béo phì theo nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm: ức chế hấp thu tinh bột, lipid, ức chế sự thèm ăn  hoặc tạo cảm giác no, kích thích sự tiêu hao năng lượng.

Ngoài ra, các thảo dược còn có thể góp phần vào cơ chế chống béo phì thông qua việc điều hòa sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó điều hòa các chất trung gian như các a-xít mật, các a-xít béo mạch ngắn, GABA có ảnh hưởng lớn đến béo phì như các polyphenol từ trà xanh, polysaccharid từ câu kỷ tử, capsaicin là chất cay từ ớt…. 

Tuy nhiên, hàm lượng các hoạt chất từ dược liệu thường thấp nên tác dụng thường không nhanh chóng và hiệu quả không quá mạnh mẽ. Do đó để thỏa mãn tâm lý muốn tác dụng “nhanh và mạnh” của nhiều người, các sản phẩm thảo dược không rõ nguồn gốc có thể bị trộn lẫn vào các thuốc tân dược như sibutramin, orlistat… Các thuốc này có hiệu quả nhanh nhưng mang lại nhiều tác dụng phụ như tăng nhịp tim, huyết áp, tiêu chảy, đầy hơi, tổn thương gan, thận. 

“Khi uống các thuốc thảo dược, chúng ta đang mang tâm lý “thuốc từ thiên nhiên an toàn tuyệt đối” nên có thể uống một lượng lớn, điều đó dẫn đến việc nạp vào một lượng lớn thuốc tân dược được trộn vào vượt mức cho phép dẫn đến ngộ độc, có thể gây tổn thương trên nhiều cơ quan”, tiến sĩ Triết chia sẻ. 

Theo TS.DS Nguyễn Thành Triết, người béo phì muốn giảm cân cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị và phòng ngừa khác nhau. Ảnh: BSCC.

Tiến sĩ Triết nhấn mạnh, béo phì được chia ra nhiều mức độ khác nhau và tùy mỗi mức độ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, để giảm béo sẽ kết hợp nhiều phương pháp điều trị và phòng ngừa như: Thay đổi chế độ ăn, tập thể dục, sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý… Do đó, việc quảng cáo chỉ cần uống thuốc mà không cần ăn kiêng, tập thể dục là rất tai hại, ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị.

“Béo phì không chỉ có ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, vì vậy hiểu để phòng và điều trị béo phì là cần thiết. Trong điều trị béo phì cần kiên trì kết hợp giữa luyện tập, chế độ ăn và điều trị dùng thuốc, trong đó có thuốc tân dược và thuốc thảo dược.

Thuốc thảo dược và các nhóm hợp chất tự nhiên thường gặp trong nó tác động chống béo phì theo nhiều cơ chế khác nhau. Cần có thêm các nghiên cứu và đánh giá, nhất là các nghiên cứu trên lâm sàng của các thảo dược trong giảm cân, phòng và trị béo phì”, tiến sĩ Triết cảnh báo. 

Tiến sĩ Triết khuyến cáo, khi sử dụng các sản phẩm từ thảo dược cần phải biết rõ nguồn gốc, uy tín của nơi sản xuất chế phẩm. Việc sử dụng các thuốc tân dược và cả dược liệu trong điều trị béo phì đều cần có sự tư vấn của chuyên gia.

* Tên nhân vật đã được thay đổi