Củ sen là loại loại nông sản phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ hoa sen, hạt sen là được nhiều người săn lùng mua về sử dụng, còn củ của nó thì lại ít người biết đến, thậm chí mang vứt bỏ.

Củ sen - Ảnh minh họa: Internet

 

Theo quan điểm y học Trung Quốc, củ sen là một biện pháp tốt nhất để thanh lọc chất độc trong cơ thể. Đầu năm mới, người Trung Quốc cũng thường ăn món canh thịt heo hầm củ sen và rong biển biểu thị sự hòa hợp gia đình. 

Tương tự, người Nhật xem củ sen như một vật may mắn. Họ cho rằng thông qua các lỗ rỗng trong củ, chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng và triển vọng tương lai. Theo đó, món sushi thập cẩm có các lát củ sen là món ăn truyền thống cho bữa tiệc ngày đầu năm. 

Tại Hàn Quốc, người dân xem củ sen như một biểu tượng của sự sinh sản, phát triển nên củ sen thường xuyên có mặt trong các bữa ăn. Người dân xứ kim chi ngâm củ sen uống giống như một loại nhân sâm của đất trời để tăng cường sức khỏe cơ thể.

Ở Hàn Quốc củ sen được ví như nhân sâm - Ảnh minh họa: Internet

 

Ở nước ta, có những vùng trồng sen nổi tiếng trải khắp các vùng miền từ Bắc vào Nam. Khi mùa hoa sen kết thúc cũng là thời điểm thu hái hạt và củ sen tươi. Loại củ này đang được bày bán tràn ngập trên thị trường với giá từ chỉ từ 50.000-80.000 đồng/kg và trở thành món ăn yêu thích của các bà nội trợ.

Theo Đông y, củ sen vị ngọt, tính hàn, nếu ăn sống có tác dụng dưỡng âm sinh tân, nhuận phổi, ngưng ho, bổ tỳ ích khí, tiêu thũng, cầm máu, giải độc... Củ sen nấu chín có tác dụng kiện tỳ dưỡng vị, bổ tâm dưỡng huyết, sinh cơ, bổ hư cho ngũ tạng, tăng cường sự khỏe mạnh, dẻo dai của gân cốt. Với những công dụng tuyệt vời dưới đây mà củ sen được coi là thực phẩm mùa thu bổ dưỡng hơn nhân sâm.

Củ sen được coi là thực phẩm mùa thu bổ dưỡng hơn nhân sâm - Ảnh minh họa: Internet

 

 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh củ sen rất tốt cho sức khỏe bởi chứa nhiều khoáng chất quan trọng như kẽm, mangan, magiê, sắt và đồng, các loại vitamin nhóm B, vitamin C,... nên có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch, điều hòa nhiệt độ cơ thể, cầm máu, điều hòa huyết áp, liểm soát dây thần kinh, cung cấp năng lượng cho cơ thể...

Theo Ayana Habtemariam – chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Bang Morgan (Mỹ), củ sen chứa nhiều vitamin và chất xơ lành mạnh. Đặc biệt nó không chứa chất béo là cholesterol nên vô cùng an toàn với sức khỏe. Sau đây là một số công dụng của củ sen mà bạn nên biết để bổ sung vào thực đơn ngay.

Còn theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết củ sen (còn có tên gọi khác là ngẫu tiết, liên ngẫu) là một bộ phận của cây sen, từ lâu đã được dùng khá nhiều trong y học và ẩm thực.

Công dụng tuyệt vời của củ sen:

Tiêu đờm, trừ ho: với tiết trời thu khô hanh dễ mắc các bệnh đường hô hấp, ăn củ sen sẽ giúp giảm được triệu chứng ho, hen, tiêu đờm...

Làm mát máu, cầm máu: trong củ sen có chứa axit tannic, vitamin K giúp co mạch máu. Củ sen tươi tính hàn nên có tác dụng làm mát máu và cầm máu. Ví dụ bị chảy máu cam, ho ra máu hoặc trong đờm có máu thì nên dùng củ sen tươi hoặc ngó sen tươi sắc uống.

Tiêu thũng, giải độc, tiêu sưng: ăn củ sen tươi hoặc giã lấy nước uống kèm với rượu có thể giúp tiêu sưng, trừ thũng, giải độc.

Hạ đường huyết, giảm mỡ máu, nhuận tràng: củ sen tươi giàu chất xơ, hàm lượng kali vượt trội nhưng năng lượng lại thấp vì thế ăn củ sen có thể giúp giảm mỡ máu, giảm lượng đường huyết và cholesterol, tăng cương nhu động ruột giúp nhuận tràng, tránh táo bón. Dưỡng tâm, an thần, giảm nguy cơ bệnh tim mạch: củ sen giàu vitamin B đặc biệt là vitamin B6 nên có tác dụng giảm căng thẳng, đau đầu, giảm gia tăng kích thích lên tim mạch.
 
Bổ gan: do hàm lượng chất tannin có trong củ sen sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của gan.
 
Tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống ung thư: chỉ với 100g củ sen thể cung cấp đến 73% nhu cầu vitamin C cần thiết mỗi ngày. Vì thế việc ăn thường xuyên củ sen vào mùa thu sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa được sự tấn công của bệnh tật, đặc biệt là ung thư. 
 
Củ sen có nhiều công dụng tuyệt vời - Ảnh minh họa: Internet

 

Một số lưu ý khi sử dụng củ sen

Người tỳ vị hư nhược, lạnh bụng, tiêu chảy không nên ăn củ sen sống

Củ sen sống là một loại thực phẩm có tính lạnh, vì vậy đối với những người có cơ địa nóng thì ăn củ sen sống là một lựa chọn tốt. Nhưng những người tỳ vị hư hàn, người bị lạnh bụng sẽ khó tiêu hóa hơn và dễ làm bệnh cảm nặng thêm nếu ăn củ sen sống.

Không thích hợp nấu củ sen trong nồi sắt

Trong củ sen có chứa nhiều chất sắt có tác dụng bồi bổ khí huyết rất tốt. Tuy nhiên, khi làm củ sen, bạn không nên dùng nồi sắt, vì như vậy củ sen sẽ bị đen, trông không đẹp mắt và ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng. Do đó, bạn nên dùng chậu sứ hoặc nồi inox để chưng củ sen là tốt nhất.

Củ sen là thực phẩm có tính lạnh phù hợp với những người có cơ địa nóng - Ảnh minh họa: Internet

 

Không kết hợp củ sen với đậu tương

Đậu nành rất giàu chất dinh dưỡng, vừa giàu chất đạm, vừa chứa rất nhiều chất sắt, vì vậy đậu nành không được ăn cùng với củ sen. Do củ sen có chứa nhiều chất xơ sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu sắt từ đậu nành.

Không kết hợp củ sen với gan động vật

Trong củ sen có chứa chất xơ, axit aldehyde trong chất xơ có thể tạo thành hỗn hợp sắt - đồng - kẽm làm cơ thể con người giảm hấp thu các nguyên tố vi lượng trong gan động vật.

Vì vậy, nếu bạn muốn nấu canh củ sen thì nên ăn kèm với sườn hoặc thịt thái mỏng, không nên dùng gan động vật. Mặc dù củ sen trong món canh nội tạng rất ngon nhưng lại ít dinh dưỡng hơn rất nhiều.