Whitmore có đáng sợ?

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ cho biết, trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9/2019 bệnh viện này đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp bị bệnh do vi khuẩn whitmore tấn công. Các bệnh nhi đều vào viện trong bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, đến viện bệnh tình đã nặng vì cứ điều trị tại nhà giống quai bị.

Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa các thông tin vi khuẩn ăn thịt người khiến nhiều người lo sợ. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi trẻ em, người dân thường xuyên tiếp xúc với bùn đất do đặc thù công việc.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, thông tin vi khuẩn whitmore hiện nay đang được cảnh báo thái quá khiến người dân lo lắng và sợ hãi thứ gọi là vi khuẩn ăn thịt người.

Whitmore có đáng sợ? - Ảnh minh họa: Internet

Theo bác sĩ Khanh đây không phải là vi khuẩn ăn thị người. Whitmore hay bệnh melioidosis là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này không phải mới có đây mà đã biết từ lâu lâu.

Bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.

Bác sĩ Khanh cho biết bình thường vi khuẩn có trong đất và nước không sạch. Bệnh này không có lây từ người sang người và cũng không dễ bị nếu sinh hoạt vệ sinh sạch sẽ. Triệu chứng bệnh có thể cấp tính: sốt, triệu chứng hô hấp, suy hô hấp, co giật. Hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử 1 hay nhiều vùng da trên người.

Phòng bệnh như nào?

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng – Texza Hoa Kỳ cho biết whitmore được xem là căn bệnh nổ chậm đối với những người nông dân. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hít vào phổi qua bụi đất hay hạt nước li ti trong không khí, uống nước nhiễm khuẩn hay tiếp xúc trực tiếp với đất bùn và nước, đặc biệt khi có vết thương ở da. Tuy nhiên không phải cứ tiếp xúc là sẽ mắc bệnh, có khoảng 10-15% người phát hiện có kháng thể với vi trùng này mà không hề có bệnh.

Bệnh gây ra tử vong nhanh chủ yếu do người dân chủ quan. Tại Thái Lan, whitmore là căn bệnh gây ra gánh nặng cho ngành y tế nước này bởi đây là nước có vùng nông nghiệp. Trong khi đó, hầu hết nông dân không chịu mang ủng và mang găng tay cao su khi làm việc trên đồng ruộng dù chính phủ đã có chương trình phát ủng miễn phí từ năm 2000.

Vi khuẩn whitemore có trong đất - Ảnh minh họa: Internet

Tại Thái Lan, trong các trường hợp tử vong, có một phần là do chẩn đoán trễ hay sai lầm. Hiện nay, Thái Lan cũng đang cố gắng phổ biến kiến thức về bệnh này tới nhân viên y tế  nhất là bác sĩ trẻ nhằm cải thiện việc nhận biết bệnh sớm hơn.

Theo bác sĩ Hưng các thể bệnh của Whitmore gồm có:

Nhiễm trùng ở phổi: Đây mới là thể bệnh phổ biến nhất (trên 50%), cách vi khuẩn này gây viêm phổi rất giống lao phổi, hay gây viêm vùng thuỳ trên, áp xe, hình ảnh giống ho lao. Triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau ngực, nhức đầu, mệt mỏi, ho ra máu.

Nhiễm trùng khu trú ở da và mô mềm nơi tiếp xúc: Viêm loét da nên nhiều người cho rằng vi khuẩn ăn thịt người, áp xe da, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng tiêu hoá, nhiễm trùng xương khớp, nhiễm trùng não.

Nhiễm trùng huyết: Là thể nặng nhất và dễ gây tử vong nhất.

Bệnh được chẩn đoán bằng cách nuôi cấy vi trùng từ máu, nước tiểu, đàm, dịch mủ. Các xét nghiệm định lượng kháng thể có thể được dùng nhưng kém tin cậy hơn.

Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Hưng khuyến cáo tốt nhất nên tránh bơi trong nước ngọt hay tiếp xúc trực tiếp với bùn đất ở vùng dịch, nhất là vào mùa mưa. Nên mang ủng và găng tay cao su khi làm việc ngoài đồng ruộng, vùng đất trũng.

Tránh tiếp xúc với nước, bùn đất nếu có trầy xước da. Nếu bị trầy xước, lập tức rửa sạch với xà phòng và bôi thuốc sát khuẩn. Luôn uống nước đun sôi, nước đóng chai, nếu có triệu chứng nghi ngờ có bệnh, lập tức đi khám bệnh.