Nội dung bài viết
Bệnh thiếu máu cơ tim đang diễn biến ngày một phức tạp hơn. Chúng không chỉ là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ở thanh niên độ tuổi 20. Căn bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên nếu biết cách lựa chọn những thực phẩm tốt, có lợi cho tim mạch sẽ ngăn ngừa cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe.
Thiếu máu cơ tim là gì?
Khái niệm về thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim còn được biết đến với tên gọi khác là thiếu máu cục bộ cơ tim. Đây là bệnh lý thường xảy ra khi lượng máu dẫn đến tim bị giảm khiến tim không có đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp, đưa máu đến những cơ quan khác. Thiếu máu cơ tim sẽ gây ra nhiều tổn thương cho tim, nặng hơn sẽ làm loạn nhịp tim hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim.
Những biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim
Đau ngực và khó thở được xem là triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh này thường rất đa dạng, không cố định. Một vài triệu chứng phổ biến thường thấy.
- Áp lực, tức ngực, đau lưng, đau vai hàm và nhiều bộ phận khác thuộc phần trên của cơ thể. Những cơn đau này thường kéo dài từ một đến vài phút, sau đó sẽ có dấu hiệu giảm dần và tái phát.
- Nhịp tim nhanh, chóng mặt, khó thở, hay đổ mồ hôi và buồn nôn.
- Bạn nên lưu ý một điều là những người mắc bệnh thiếu máu cơ tim không phải có tất cả các triệu chứng này. Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mỗi người mà dấu hiệu nhận biết cũng khác nhau.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao hàng đầu hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này có thể do di truyền, tiền sử bệnh gia đình. Tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất vẫn là thói quen sinh hoạt hằng ngày.
- Ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ dẫn đến lượng cholesterol cao, chất này tăng trong máu trở thành mảng xơ vữa làm tắc nghẽn quá trình máu lưu thông đến tim và những cơ quan khác.
- Quá trình lão hóa sẽ khiến tim, mạch máu làm việc nhanh hơn để nhận và bơm máu đi nơi khác. Vì thế mà động mạch dần trở nên suy yếu, kém đàn hồi và dễ tích tụ mảng bám.
Bên cạnh đó, việc rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, stress nhiều ngày,...cùng dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim.
Xử trí bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim
Tình trạng thiếu máu cơ tim quá lâu sẽ làm chết mô cơ tim, gây nên cơn đau thắt ngực và hiện tượng nhồi máu cơ tim. Lúc này bạn cần có cách xử lý kịp thời để sơ cứu bệnh nhân.
Điều chỉnh tư thế bệnh nhân
Trước hết, khi thấy bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, tay chân lạnh, đổ mồi hôi,...cần nhanh tay gọi ngay xe cấp cứu. Trong quá trình chờ đợi, nên dùng nitroglycerin đặt dưới lưỡi, để bệnh nhân trong trạng thái nửa nằm, nửa ngồi. Vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cần có xe cứu thương chuyên dụng.
Thực hiện phương pháp ép tim
Đặt bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cứng, sau đó quỳ hai gối bên trái bệnh nhân, hai bàn tay chồng lên nhau, để ngay tim (vị trí giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - bên ngực trái) từ từ ấn sâu xuống rồi nới lỏng tay. Thực hiện thao tác liên tục khoảng 60 lần/phút để cấp cứu bệnh nhân. Thao tác này giúp tạo một lực cơ học lên tim, tim sẽ co bóp và đẩy máu vào trong hệ tuần hoàn.
Hô hấp nhân tạo
Nhồi máu cơ tim sẽ khiến bệnh nhân thiếu oxy trầm trọng, hô hấp nhân tạo tuy là phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả giúp đảm bảo oxy và lưu thông máu. Đặt bệnh nhân nằm nơi thoáng khí, nới rộng quần áo, đệm dưới cổ để đầu hơi ngửa ra sau, nâng cằm và thổi hai hơi liên tiếp vào miệng bệnh nhân. Quá trình này bạn cần thực hiện nhanh chóng và kết hợp với phương pháp ép tim.
Thiếu máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm, gây nguy cơ tử vong cao. Vì thế bạn cần hiểu rõ về nó để có cách ngăn ngừa cũng như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời bạn cũng nên bổ sung những kiến thức cơ bản về nhồi máu cơ tim để có thể sơ cứu kịp thời nếu người thân hoặc những người xung quanh gặp phải.
Thiếu máu cơ tim nên ăn gì?
Tỏi
Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Alabama ở Birmingham năm 2007, ăn tỏi có thể giúp mạch máu thư giãn đến 72%. Việc cải thiện tuần hoàn mạch vành sẽ tăng cường lượng máu đến tim. Bạn có thể ăn sống hoặc dùng chúng làm gia vị trong những món xào, kho, nước chấm,...
Củ nghệ
Chất curcumin có trong nghệ tươi không chỉ có tác dụng chống viêm mà chúng còn ngăn ngừa hình thành những cục máu đông. Mỗi ngày bạn cho thêm một muỗng bột nghệ và mật ong vào nước ấm hoặc sữa ấm để uống.
Cách này có thể làm giảm những nguy cơ do huyết khối gây ra như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, khi mang nghệ chế biến thành tinh dầu để sử dụng có thể làm giảm chỉ số cholesterol xấu, bớt đi những mảng cholesterol tích tụ trong lòng mạch.
Hạt tiêu
Trong tiêu có hợp chất capsaicin giúp ngăn ngừa hình thành cholesterol xấu. Nhờ vậy mà lượng cholesterol xấu trong máu cũng được giảm bớt. Bên cạnh đó, hạt tiêu còn giúp cải thiện tình trạng lưu thông máu, làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Gừng
Mỗi ngày uống từ 2 đến 3 chén nước gừng ấm sẽ rất tốt cho cơ thể. Đây được xem là phương thuốc hữu hiệu giúp cái thiện các động mạch bị tắc. Hợp chất gingerols và shogaols có trong gừng tươi làm giảm lượng cholesterol tổng và ngăn chặn quá trình oxy hóa của những chất béo có hại.
Tuy nhiên không sử dụng gừng cho những người gặp vấn đề về túi mật, sỏi mật hoặc khi dùng bị tình trạng buồn nôn, ợ nóng.
Gạo nấm men đỏ
Tương tự như những thực phẩm trên, gạo nấm men đỏ cũng làm giảm nguy cơ đau tim bởi thành phần monacolins tự nhiên. Đặc biệt, các chất như phytosterol, beta-sitosterol, campesterol, stigmasterol, isoflavon và nhiều khoáng chất vi lượng giúp tim mạch khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cơ tim.
Thiếu máu cơ tim không nên ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho tim mạch thì bạn cũng nên chú ý đến những thực phẩm gây ảnh hưởng xấu, để giữ một quả tim thật khỏe mạnh, dẻo dai. Một số thực phẩm nên hạn chế sử dụng:
- Mỡ động vật, nội tạng động vật, các loại hải sản: Đây được xem là những thực phẩm giàu chất béo và cholesterol. Hai chất này là kẻ thù số một dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim.
- Cà phê, thuốc lá, bia rượu: Các chất kích thích này khiến tim hoạt động mạnh hơn. Vì thế sử dụng trong thời gian dài sẽ làm cơ tim bị tổn thương và yếu dần.
- Muối: ăn nhiều muối không chỉ khiến huyết áp tăng, đồng thời còn làm cho động mạch bị xơ cứng, hẹp lại. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác. Với những người mắc bệnh về tim mạch thì mỗi ngày chỉ nên dùng 1,5 gram muối hoặc ít hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng đồ hộp hoặc thức ăn chế biến sẵn.
Một chế độ ăn uống hợp lý giàu dinh dưỡng sẽ hỗ trợ điều trị tốt các bệnh về tim mạch, đặc biệt là thiếu máu cơ tim. Cùng với đó, bạn nên rèn luyện sức khỏe bằng những bài tập thể dục hợp lý. Vận động phù hợp với thể trạng sẽ giúp cơ thể săn chắc, dẻo dai, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.