Không nên thần thánh 

Năm 2018, hàng triệu bệnh nhân vui mừng khi thông tin về phương pháp chữa ung thư đạt giải y học. Nền y học thế giới chứng kiến thành công của 2 nhà khoa học đạt giải Nobel Y học 2018 về lĩnh vực điều trị ung thư là GS James P.Allison (Mỹ) và GS Tasuku Honjo (Nhật Bản).

Nghiên cứu của 2 nhà khoa học phát hiện ra cơ chế tự phanh của hệ miễn dịch và tìm ra cách "tắt phanh" giúp kích thích tế bào miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Công trình này đã mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh ung thư. Bởi các phương pháp trước đây mới chỉ tập trung vào các tế bào ung thư mà chưa tập trung vào hệ miễn dịch.

Điều đặc biệt, các loại thuốc miễn dịch này đã được đưa vào lâm sàng và tại Việt Nam đã được triển khai ứng dụng.

Cả bốn loại thuốc trong điều trị miễn dịch như Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng.

Tại Bệnh viện K Hà Nội, nhiều bệnh nhân cho rằng họ cảm thấy tương lai bệnh tật tươi sáng hơn bởi có thể được điều trị bằng phương pháp mới. Trường hợp của anh Nguyễn Văn T. (35 tuổi) bị ung thư bàng quang, anh T. cho biết anh đã mổ và sục hoá chất được hơn một năm, bệnh không tái phát. Anh luôn lạc quan vì tin rằng mỗi ngày y học một phát triển anh có cơ hội điều trị bệnh nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Internet

Giáo sư Mai Trọng Khoa – Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ có nhiều bệnh nhân hỏi ông về liệu pháp điều trị miễn dịch này và Giáo sư Khoa phải giải thích rằng đây chỉ là phương pháp mới và kết hợp với các phương pháp khác chứ không phải chỉ liệu pháp miễn dịch này điều trị được ung thư.

GS Khoa cho biết liệu pháp miễn dịch kích thích hệ thống miễn dịch làm việc “nhiều hơn” và “thông minh hơn” để tấn công lại các tế bào ung thư và bổ sung cho bệnh nhân thành phần trong hệ miễn dịch như tế bào miễn dịch, kháng thể.

Giáo sư Khoa nhấn mạnh không nên “thần thánh hóa” phương pháp điều trị ung thư này, bởi tổng kết lại, việc điều trị ung bướu vẫn phải dựa theo nguyên tắc: Điều trị phối hợp nhiều phương pháp, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, đích, miễn dịch sinh học. Và phương pháp điều trị miễn dịch này cũng chỉ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống và giảm các tác dụng phụ so với phương pháp truyền hoá chất.

Với bệnh nhân ở giai đoạn sớm hơn thì phương pháp điều trị kinh điển nhất là phẫu thuật kết hợp xạ trị, hoá chất. Từ xa xưa, người ta đã sử dụng phẫu thuật trong điều trị ung thư và đến nay chưa có phương pháp nào thay thế nó. Các phương pháp mới ra đời sẽ bổ trợ thêm cho các phương pháp cũ chứ không thể thay thế.

Điều trị tốn kém

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng khoa điều trị A, Bệnh viện K Trung ương cho biết đến nay khoa Điều trị A đã điều trị được 5 bệnh nhân theo liệu pháp miễn dịch và kết quả khá tốt. Thuốc giúp cho bệnh nhân có thể kéo dài thời gian sống. Có bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối nếu chỉ điều trị bằng các phương pháp cũ bệnh nhân chỉ sống được chừng 4, 5 tháng nhưng sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bệnh nhân đã sống thêm được 2 năm. 

Cách đây 4 năm, Bệnh viện K trung ương đã thử nghiệm ca lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch trên.

Thuốc điều trị ức chế kiểm soát miễn dịch được điều trị cho các bệnh ung thư với các loại ung thư phổi, dạ dày, gan, đường niệu đạo, u hắc tố và đến nay đã có gần 50 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp này.

TS Đào Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Bệnh viện K trung ương cho biết thông thường hệ miễn dịch được điều hoà không hoạt động quá mức khi có tác nhân từ bên ngoài hoặc không hoạt động quá mức gây bệnh lý miễn dịch tự miễn thông qua các cơ chế quan trọng hệ miễn dịch tiêu diệt được kháng nguyên từ bên ngoài.

Bác sĩ Tú cho biết việc lựa chọn bệnh nhân giai đoạn cuối cho phương pháp điều trị này để việc đánh giá điều trị tốt hơn các giai đoạn khác. Hiện nay, các nghiên cứu và thử nghiệm chỉ chứng minh được việc điều trị bằng thuốc miễn dịch kéo dài cuộc sống của người bệnh chứ chưa thể khỏi bệnh ung thư nào.

Theo TS Tú, mỗi liệu trình điều trị tốn kém cho bệnh nhân từ 60 triệu đến 120 triệu đồng/lần. Bệnh nhân phải truyền 1 tuần 3 lần truyền liên tục và bảo hiểm y tế lại chưa thanh toán cho các loại thuốc này nên mỗi đợt điều trị sẽ tốn kém cho bệnh nhân.