Chị Phan Thu Nga (41 tuổi, trú tại Gò Vấp, TP.HCM) đi khám sức khỏe vì triệu chứng lạ lúc nửa đêm. Người phụ nữ này chia sẻ khoảng vài tháng nay, chị liên tục bị các triệu chứng vã mồ hôi dù thời tiết không quá nóng, nằm phòng có máy lạnh.

Khi ngủ, khoảng 1-2h sáng, chị tỉnh giấc với cảm giác nóng ran người, toàn thân bốc hỏa và vã mồ hôi. Nhiều lần, mồ hôi ướt cả quần áo, ga giường. Tóc cũng ướt đẫm. Các triệu chứng này khiến chị rất khó chịu, mất tự tin.

Sau khi thăm khám cho chị Nga, bác sĩ cho biết chị có dấu hiệu của tiền mãn kinh do rối loạn vận mạch. Khi nghe bác sĩ giải thích tình trạng tiền mãn kinh, chị Nga rất sốc vì bản thân còn trẻ nhưng đã rơi vào giai đoạn chuẩn bị mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh phụ nữ có nhiều biểu hiện về sức khỏe.

 Tư vấn cho bệnh nhân này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, cho biết phụ nữ gặp tình trạng như chị Nga không phải hiếm. 

Theo bác sĩ Trung, ở từng người, triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh lại khác nhau. Nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng này thường rất lo lắng. Tuy nhiên, đây là hai giai đoạn phát triển bình thường của cơ thể.

Ở một số người, giai đoạn tiền mãn kinh ngắn, qua đi nhẹ nhàng nhưng có trường hợp giai này xảy ra sớm, kéo dài gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống.

Dấu hiệu cảnh báo là sự thay đổi của chu kỳ và tính chất của kinh nguyệt. Bạn sẽ thấy vòng kinh dài hơn, chậm hơn hoặc lượng máu kinh thay đổi có thể ít hoặc nhiều hơn. 

Ngoài ra, phụ nữ còn có thể gặp các triệu chứng về tâm lý, sinh lý, phổ biến nhất là rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động hơn. 

Đặc biệt, biểu hiện rối loạn vận mạch khiến họ bất ngờ nóng bừng mặt hay xuất hiện cơn bốc hỏa, toát mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực. Chị em còn bị rối loạn ham muốn tình dục, rối loạn khoái cảm làm tăng hoặc giảm ham muốn.

Một số người có tình trạng tăng chuyển hóa mỡ, tích mỡ vùng bụng, mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, đau xương khớp, lão hóa da, tóc bạc và dễ rụng gãy.

Không tự ý bổ sung nội tiết tố

Bác sĩ Trung khuyến cáo nếu chị em gặp phải các dấu hiệu trên nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị.

Ngoài ra, vị chuyên gia này khuyến cáo thêm phụ nữ không nên lạm dụng các loại thực phẩm chức năng quảng cáo bổ sung nột tiết tố khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều đó có thể dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, tăng sinh nội mạc tử cung, thậm chí ung thư nội mạc tử cung.

Để giai đoạn tiền mãn kinh không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ Trung khuyến cáo phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, bổ sung nhiều vitamin nhóm B, canxi. Trái cây, rau quả cũng giúp cung cấp magnesium, qua đó làm tăng serotonin giúp chị em giảm stress.

Đặc biệt, nên bổ sung các thực phẩm giàu estrogen tự nhiên từ các loài thực vật như đậu nành (đậu tương) và các thực phẩm được chế biến từ mầm đậu nành. Phụ nữ cũng cần tránh các thức ăn nhiều mỡ, muối, chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Về chế độ tập luyện, theo bác sĩ Trung việc tập thể dục thể thao sẽ duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể.