Xã Đại Cường nằm bên sông Thu Bồn và sông Quảng Huế đoạn chảy qua huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Là xã thuần nông nên cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, song vùng đất nghèo và hay hứng chịu lũ lụt này lại nổi tiếng nhờ có nhiều người dân sẵn sàng hiến máu nhân đạo.

Ông Nguyễn Văn Tám, chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đại Cường cho biết, hơn 10 năm nay xã đã trở thành địa chỉ ngân hàng máu sống cho nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

"Phong trào hiến máu nhân đạo phủ sóng khắp xã. Mỗi lần hiến máu, Đại Cường luôn dẫn đầu huyện; có hôm người dân đến tham gia quá đông, khiến cho thiết bị lấy máu không đủ đáp ứng nên người dân đành quay về", ông Tám nói.

Người dân xã Đại Cường trong một lần tham gia hiến máu. Ảnh: Đắc Thành.

Theo ông Tám, trước năm 2005, việc hiến máu là điều xa lạ với người dân xã Đại Cường bởi họ có chung tâm lý lo ngại hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có người còn cho rằng sau khi cho máu thì người sẽ bị ốm đau, gầy yếu.

"Chính quyền thông qua hệ thống phát thanh tuyên truyền để người xua tan nỗi lo sợ. Ngoài ra chúng tôi còn kết hợp thông tin tại các cuộc họp thôn để đả thông những suy nghĩ không đúng của bà con", ông Tám kể.

Phong trào hiến máu cứu người dần phát triển ở xã Đại Cường. Đến nay, trên địa bàn xã, có những nơi như thôn Quảng Đại 2 có khoảng 250 hộ dân thì hơn 60 hộ đều đặn tham gia hiến máu; thôn Thanh Vân có 15 gia đình thường xuyên cho máu.

"Có lần một người điều trị ở bệnh viện ở Đà Nẵng cần rất nhiều máu để cứu chữa. Khi nghe tin, chúng tôi thuê một chiếc xe ôtô chở 10 người đến cho máu, nhờ đó bệnh nhân này được cứu sống", ông Tám kể.

Hội chữ thập đỏ xã Đại Cường đã thành lập câu lạc bộ hiến máu với 25 người. "Bất cứ lúc nào, chúng tôi nhận điện thoại cần máu thì sẽ thông báo cho các thành viên lên đường ngay", ông cho biết.

Năm 2018, xã Đại Cường được cấp trên giao chỉ tiêu khuyến khích người dân hiến 43 đơn vị máu, tuy nhiên đã có 135 người tham gia hiến, vượt gần gấp ba lần đề ra. "Cũng ở huyện Đại Lộc, có xã kiếm một đơn vị máu không ra nhưng ở Đại Cường thì bà con tình nguyện hiến máu rất nhiều", ông Tám nói.

Đứng đầu xã về số lượt hiến máu với 26 lần, ông Trần Rê, thôn Quảng Đại 2, chia sẻ mỗi lần hiến máu cứu người trở về ông đều thấy vui vì vừa làm được một việc ý nghĩa.

Ông Trần Rê có 26 lần hiến máu cứu người. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Rê kể, năm 1998 khi đang làm công nhân cấp thoát nước ở TP HCM, một buổi buổi tối ông thấy có người Đài Loan gặp tai nạn trên đường phố. Ông liền đưa nạn nhân đi cấp cứu và được nghe các bác sĩ yêu cầu người nhà hỗ trợ máu, trong khi người này không có thân nhân. Ông Rê vào thử máu thì cùng nhóm máu với nạn nhân nên đã hiến 350 ml.

Năm 2000, ông trở về quê ở Quảng Nam đã âm thầm tham gia hiến máu nhiều lần. "Thấy tôi đi hiến máu liên tục, có người nghi ngờ đi bán máu kiếm tiền, họ còn bảo có nghèo khó thì lao động mưu sinh chứ ai lại làm như vậy", ông kể và cho hay mỗi lần nghe vậy ông chỉ cười bỏ qua,

Ông Rê còn kêu gọi người thân trong gia đình cho máu. Như bà Nguyễn Thị Gọn (57 tuổi, vợ ông Rê) hiến 11 lần; ba người con của ông bà mỗi người hiến trên 10 lần.

"Ngoài những đợt cán bộ y tế về xã lấy máu thì những lúc nhận được điện thoại hỗ trợ máu tôi luôn sẵn sàng", ông nói và cho biết sau mỗi đợt hiến máu thì bản thân ăn uống điều độ, sau ba tháng lại tiếp tục cho máu.

Theo ông Rê, trong vùng có những người dân khi đi hiến máu thì phát hiện ra bệnh viêm gan B. Sau đó, không cần chính quyền tuyên truyền mà tự người dân nói với nhau, "đi hiến máu không ảnh hưởng đến sức khoẻ và còn có thể phát hiện ra mình có bị bệnh gì không".

Bà Nguyễn Thị Tưởng (48 tuổi, thôn Thanh Vân) làm nghề kinh doanh vật liệu, gia đình khá giả và đã tham gia hiến máu 11 lần. Hai người con của bà đã hiến gần 10 lần mỗi người.

Bà Nguyễn Thị Tưởng có 11 lần cho những giọt máu hồng cứu người. Ảnh: Đắc Thành.

"Trước đây tôi rất lo ngại về việc cho máu nên xuống bệnh viện hỏi. Bác sĩ giải thích hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ những người bị bệnh tim mạch thì không nên hiến, tôi nghe vậy nên đã về hưởng ứng lời kêu gọi của Hội chữ thập đỏ xã", bà Tưởng nói.

Lần đầu tiên bà Tưởng cho máu thì bị choáng khoảng 30 phút nhưng các lần sau không lặp lại. "Sau một đợt hiến máu mình ăn uống đầy đủ và qua 3 đến 6 tháng thì tiếp tục tham gia. Giờ đây mỗi lần cho máu xong, tôi không thấy mệt mỏi mà vui vẻ, thanh thản hơn", bà chia sẻ.