1. Trẻ nhận biết các tín hiệu phi ngôn ngữ

Những đứa trẻ có chỉ số EQ cao giỏi nắm bắt cảm xúc của người khác bằng cách quan sát ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt.

Trẻ có thể nói: "Mẹ ơi, bạn Sarah của con hôm nay rất im lặng. Con hỏi bạn ấy có muốn chơi không, nhưng bạn ấy từ chối. Con nghĩ bạn ấy buồn vì điều gì đó."

* Cách xây dựng kỹ năng này:

Bố mẹ và con cái nên có những cuộc đối thoại để nhìn lại những việc xảy ra trong ngày và thảo luận về những cảm xúc mà con quan sát được ở mọi người xung quanh. Những cuộc trò chuyện này sẽ củng cố khả năng "đọc vị" cảm xúc của trẻ và tăng cường sự tự tin trong việc hiểu người khác.

Bạn có thể hỏi: "Con thấy bạn cùng lớp con hôm nay có tâm trạng như thế nào?"

Ảnh minh họa. Nguồn: Nguyễn Quốc Vũ

2. Trẻ biểu lộ sự đồng cảm và lòng trắc ẩn

Trẻ có EQ cao không chỉ nhận biết được cảm xúc của người khác mà còn thể hiện sự quan tâm thực sự và đề nghị giúp đỡ.

Ví dụ, trong giờ chơi cùng bạn, con bạn nhận thấy bạn mình có vẻ buồn vì không thắng được trò chơi. Con bạn đi đến chỗ bạn ấy và nói: "Bạn chơi giỏi lắm! Bạn có muốn chơi trò gì khác cùng mình không?"

* Cách xây dựng kỹ năng này:

Cách tốt nhất để bố mẹ truyền cảm hứng cho con về lòng đồng cảm là tự mình làm gương.

Ví dụ, khi hàng xóm bị ốm, bạn có thể nói với con: "Bác Brady trông có vẻ không khỏe. Chúng ta hãy đến thăm bác và xem bác có cần giúp gì không nhé."

3. Trẻ có thể gọi tên cảm xúc của mình

Những đứa trẻ thông minh về cảm xúc rất giỏi trong việc chia sẻ cảm xúc của mình.

Khi con bạn nói: "Con cảm thấy bực bội vì không giải được câu đố này" hoặc "Con vui vì đã giúp bạn sửa đồ chơi", trẻ đang nhận biết và truyền đạt cảm xúc của mình.

* Cách xây dựng kỹ năng này:

Tạo thói quen gọi tên cảm xúc của bạn, ví dụ: "Mẹ thấy khó chịu vì không tìm được chìa khóa" hoặc "Mẹ thấy hơi choáng ngợp với cả núi công việc phải làm."

Điều này giúp bình thường hóa việc thảo luận về cảm xúc, khiến trẻ dễ dàng làm điều tương tự hơn.

4. Dễ thích nghi

 

Một đứa trẻ có khả năng thích nghi suôn sẻ với những thay đổi trong lịch trình hàng ngày hay tiếp nhận những tin không vui một cách bình tĩnh là đứa trẻ trưởng thành về mặt cảm xúc.

Ví dụ, khi buổi dã ngoại ngoài trời bị hủy do trời mưa, thay vì cảm thấy buồn bã hoặc giận dữ, con bạn có thể chấp nhận sự thay đổi một cách bình tĩnh: "Ồ, trời mưa rồi. Chúng ta hãy cắm trại trong nhà thôi!"

* Cách xây dựng kỹ năng này:

Một lần nữa, điều này xuất phát từ bố mẹ. Cha mẹ phản ứng linh hoạt và bình tĩnh sẽ là tấm gương cho trẻ noi theo.

Bạn cũng có thể cho phép con cùng giải quyết vấn đề và suy nghĩ tìm giải pháp, ví dụ đặt câu hỏi: "Chúng ta có thể làm gì khác?"

5. Biết lắng nghe

Trẻ thông minh về cảm xúc có thể nắm bắt những tín hiệu rất nhỏ mà người khác có thể bỏ qua.

Ví dụ, khi bạn kể cho con nghe về một ngày của mình, trẻ không chỉ lắng nghe mà còn điều chỉnh theo và nắm bắt cảm xúc đằng sau những lời nói của bạn. Trẻ sẽ đặt câu hỏi và thể hiện sự tò mò thực sự.

* Cách xây dựng kỹ năng này:

Khi con bạn có chuyện kể với bạn, hãy dành hoàn toàn sự chú ý cho con. Nhìn vào mắt con và ngừng làm mọi việc khác. Bạn có thể nhắc lại những điều con kể để cho thấy bạn đang thực sự tập trung lắng nghe.

6. Có khả năng tự điều chỉnh

Một đứa trẻ sở hữu EQ cao có thể xử lý những cảm xúc mạnh, giữ bình tĩnh khi gặp khó khăn và đưa ra những lựa chọn thông thái.

Ví dụ, con bạn chơi một trò chơi với bạn bè và thua một vòng. Thay vì phản ứng tức giận, một đứa trẻ có khả năng tự điều chỉnh tốt có thể nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và sau đó quay lại trò chơi với tâm lý tích cực.

Trẻ có thể giữ bình tĩnh và tiếp tục, ngay cả sau khi thất vọng.

* Cách xây dựng kỹ năng này:

Chống lại những "cơn giận dữ" nhỏ của bản thân, ví dụ không la hét hoặc phản ứng thái quá, là một cách cơ bản để khuyến khích kỹ năng này ở trẻ.

Bố mẹ cũng có thể dạy con kỹ thuật "dừng lại và hít thở" trong những tình huống khó khăn. Cụ thể là hít thở sâu hoặc đếm đến mười. Bố mẹ có thể làm mẫu cho con xem.

Khi trẻ nhìn thấy bố mẹ xử lý những tình huống khó khăn một cách bình tĩnh, đó sẽ là bài học mà trẻ sẽ không bao giờ quên.

Reem Raouda là huấn luyện viên về nuôi dạy con cái được chứng nhận và là người sáng lập The Connected Discipline Method (tạm dịch: Phương pháp Kỷ luật Kết nối), một chương trình huấn luyện dành cho bố mẹ của những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ.