Đái tháo đường thai kỳ là một trong những thể bệnh của đái tháo đường, chỉ xuất hiện và tồn tại trong quá trình mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ khi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho bà bầu cũng như thai nhi trong quá trình mang thai, sinh nở và cả cuộc sống sau này.

Vậy làm thế nào để bà bầu biết mình có bị mắc đái tháo đường thai kỳ hay không?

“Nếu bị mắc đái tháo đường thai kỳ, tôi sẽ có triệu chứng gì?”

Một tin không vui cho các bà bầu: Đó là đa số các bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ đều không có biểu hiện triệu chứng hay dấu hiệu gì. Đái tháo đường thai kỳ thường được phát hiện qua những lần khám thai định kỳ.

Rất hiếm khi, đặc biệt là nếu mức đường huyết cao, nằm ngoài tầm kiểm soát, bà bầu có thể nhận thấy các dấu hiệu như háo khát nhiều, muốn uống nhiều nước, ăn nhiều nhanh đói hoặc đi tiểu nhiều.

“Tôi nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào lúc nào?”

Bác sĩ có thể sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ của từng bà bầu đối với bệnh đái tháo đường thai kỳ dựa trên tiền sử bệnh tật và thể trạng của bạn. Thời điểm tầm soát đái tháo đường thai kỳ như sau:

- Nếu bạn được xếp vào nhóm có các yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ, bạn cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường tại lần khám thai đầu tiên.

- Nếu bạn không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó, có các yếu tố nguy cơ thấp sẽ thực nghiệm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ.

Thời điểm tầm soát đái tháo đường thai kỳ sẽ dựa vào tiền sử bệnh tật và thể trạng của bạn - Ảnh minh họa: Internet

- Nếu bạn đã từng bị đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện xét nghiệm để phát hiện sự phát triển của đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ít nhất 3 năm một lần.

“Tôi sẽ tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ như thế nào?”

Việc tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sẽ được thực hiện bằng nghiệm pháp dung nạp đường huyết. Để tiến hành nghiệm pháp này, bạn cần nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ và thực hiện kiểm tra vào buổi sáng.

Nghiệm pháp dung nạp đường huyết là xét nghiệm dùng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Bạn phải uống một lượng đường nhất định (thông thường là 75g). Trước đó bạn được đo nồng độ đường trong máu lúc đói. Tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau uống đường, bạn sẽ được kiểm tra lại nồng độ đường trong máu.

“Kết quả là bao nhiêu thì tôi được xác định bị đái tháo đường thai kỳ?”

Bạn được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi có bất kỳ giá trị đường huyết thỏa mãn các tiêu chuẩn sau đây :

- Lúc đói ≥ 5,1 mmol/l

- Ở thời điểm 1 giờ ≥ 10,0 mmol/l

- Ở thời điểm 2 giờ ≥ 8,5 mmol/l

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội