Làm nghề luôn phải cúi đầu, người phụ nữ bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ cảnh báo những người này cần coi chừng
Chị Hoàng Oanh (37 tuổi), làm nhân viên chăm sóc sắc đẹp ở TP.HCM đã nhiều năm. Công việc mỗi ngày của chị là làm móng, gội đầu, mát-xa, nặn mụn, sơn móng… cho khách. Do phải giữ một tư thế cúi đầu lâu, chị Oanh thường bị đau vùng cổ, đau lan xuống cánh tay phải.
Chị Oanh cho biết trước đây chỉ bị đau thoáng qua nên nghĩ rằng do mình cúi làm việc nhiều, chỉ cần nghỉ ngơi là hết. Khoảng hơn 2 tháng trước, vùng cổ và cánh tay phải của chị Oanh đau nhiều hơn, chị không thể cúi làm việc được mới đi khám.
Phải cúi đầu làm đẹp cho khách quá lâu, chị Oanh đã mắc căn bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa.
Từ các kết quả chụp X-quang và cộng hưởng, ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), chẩn đoán chị Oanh bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thứ 5 và thứ 6, khối thoát vị chèn ép dây thần kinh C6 bên phải.
“Ban đầu, nữ bệnh nhân được điều trị nội khoa hơn 4 tuần nhưng không hiệu quả, các triệu chứng bệnh ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật thay đĩa đệm động để bệnh nhân có thể vận động, làm việc sau điều trị”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Bác sĩ cho biết, ca phẫu thuật của chị Oanh được thực hiện thành công. Hiện sức khỏe của nữ bệnh nhân đang dần hồi phục.
Theo bác sĩ Thắng, thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng một hay nhiều đĩa đệm ở giữa những đốt sống cổ bị hư hại, nhân đệm thoát ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh trong ống sống. Bệnh thường gặp ở những người có thói quen làm việc cố định đầu cổ ở một tư thế trong thời gian dài, chẳng hạn như tài xế, giáo viên, nhân viên văn phòng, nhân viên chăm sóc sắc đẹp… Trường hợp của chị Oanh là ví dụ điển hình.
Chị Đoàn Thị Thương (36 tuổi), đang làm nhân viên văn phòng ở Bình Dương cũng bị căn bệnh này do phải ngồi làm việc với máy vi tính trong thời gian dài.
Vị trí đốt sống cổ bị thoạt vị đĩa đệm của chị Oanh. Ảnh: BVCC.
Chị Thương cho biết, khoảng 2 tháng trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, chị đã luôn thấy đau nhức, mỏi mơ hồ ở cổ, tay trái tê rần. Lúc đó, chị đã uống thuốc giảm đau, giãn cơ kết hợp nghỉ ngơi nhưng tình trạng đau không thuyên giảm mà ngày càng tăng, lan dần ra hai tay và toàn bộ khu vực cổ, vai, gáy. Phải đến khi được bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy nhân đệm, hàn xương lối trước để giải áp tủy cổ, rễ thần kinh đốt sống cổ, bệnh của chị mới cải thiện.
Căn bệnh hình thành do giữ một tư thế quá lâu
Theo Bác sĩ Bùi Huy Cận, Khoa Nội tổng quát - Cơ xương khớp - Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trong cơ thể chúng ta, “cầu nối” giữa đầu và xương sống chính là cột sống cổ. Bộ phận này hình thành từ 7 đốt, được đánh số từ C1 đến C7. Chúng nối liền với nhau bằng đĩa đệm.
“Bình thường, đĩa đệm gồm 3 thành phần: nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn. Đĩa đệm có thể đàn hồi và biến dạng khi bị nén, cho nên có khả năng làm giảm chấn động tới các thân đốt sống”, bác sĩ Huy Cận chia sẻ.
Những người bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có thể phát triển bởi nhiều yếu tố khác nhau, thường là thoái hóa đĩa đệm theo thời gian, bị chấn thương tác động trực tiếp lên cột sống, có tư thế không đúng khi ngồi, nằm hoặc làm việc. Ngoài ra, những người có lối sống không lành mạnh như ít rèn luyện thể chất, ăn uống thiếu dinh dưỡng, thói quen hút thuốc lá… cũng có thể mắc căn bệnh này.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho chị Oanh. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Thắng cho biết, khoảng 90% trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc hoặc vật lý trị liệu. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh phát triển nhanh chóng, không đáp ứng với điều trị bảo tồn, phải phẫu thuật như 2 nữ bệnh nhân trên.
“Phương pháp điều trị này là giải nén cho rễ thần kinh hoặc tủy sống bị chèn ép, loại bỏ những đĩa đệm hư tổn. Từ đó giúp giảm đau, ngăn ngừa tình trạng ngứa ran và tê yếu cánh tay cho người bệnh”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thoát vị đĩa đệm cổ nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp ống sống, hội chứng chèn ép tủy, thiếu máu não, tàn phế suốt đời… Vì vậy, khi phát hiện đau tê ở cổ, lan đến bả vai, cánh tay, đặc biệt là những người có thói quen cúi đầu trong thời gian dài khi làm việc, thường xuyên sử dụng điện thoại, kê gối quá cao khi ngủ… cần đi khám ở các chuyên khoa xương khớp sớm để được phát hiện, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể phòng ngừa căn bệnh trên bằng cách:
- Không đội vật nặng lên đầu, vác trên vai trọng lượng lớn.
- Không cúi đầu, giữ một tư thế quá lâu.
- Cần thay đổi thói quen xấu trong sinh hoạt, công việc, học tập và các hoạt động thể dục thể thao.
- Tránh những động tác gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ đột ngột hoặc quá mức kéo dài.
- Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sự dẻo dai.
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.