Xương sông là loại rau được ưa chuộng làm món ăn, gia vị và làm thuốc. Vậy, lá xương sông có tác dụng gì?

Lá xương sông có tác dụng gì?

Bài viết trên webiste Bệnh viện Đa khoa Vinmec chỉ ra, cây xương sông là cây thân thảo sống dai, thường cao khoảng 1m hoặc hơn. Lá xương sông hình ngọn giáo, phần gốc thuôn dài, phần nhọn, mép lá có răng cưa; cuống lá có khi có tai ngắn. Cụm hoa xương sông có màu vàng nhạt, tập hợp 2-4 cái ở nách các lá. Quả xương sông bé hình trụ, có 5 cạnh. Cây xương sông thường ra hoa vào tháng 1-2, có quả tháng 4-5.

Bộ phận dùng làm thuốc của cây xương sông là lá, toàn cây trên mặt đất. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô.

Trong lá xương sông chứa 0,24% tinh dầu, thành phần chủ yếu là methylthymol (94,96%), ngoài ra còn có p-cymene (3,28%), limonen (0,12%).

Theo Y học cổ truyền, lá xương sông có vị đắng cay, tính ấm, đi vào kinh vị, phế, đại trường. Công dụng của cây xương sông là trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, chỉ thống, tiêu thũng, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa.

Cây xương sông thường được sử dụng để chữa cảm sốt, ho, viêm họng, mề đay, nôn mửa, đầy bụng,...

Các món ăn, bài thuốc có lá xương sông

Dưới đây là các món ăn, bài thuốc có lá xương sông của TS. Nguyễn Đức Quang đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:

Bài thuốc có xương sông

Chữa sởi, ho sốt kéo dài ở trẻ em: Lá xương sông, chua me đất, vỏ rễ dâu, địa cốt bì, kinh giới; liều lượng bằng nhau (8 – 10g). Sắc uống. Nếu đại tiện lỏng, tiêu chảy thì giảm bớt chua me đất (Nam dược thần hiệu).

Chữa trúng phong hàn cấm khẩu: Lá xương sông, lá xương bồ tươi. Giã nát hòa với nước nóng hoặc sắc uống (Nam dược thần hiệu).

Chữa sốt cao, co giật, thở gấp ở trẻ em: Lá xương sông, chua me đất. Giã nát, thêm nước nóng, ép vắt lấy nước cho uống.

Chữa nổi mẩn ngứa khắp người: Lá xương sông, lá khế, liều lượng bằng nhau 2 phần, lá chua me 1 phần (bằng một nửa). Giã nát, ép nước cho uống; bã dùng để xoa ngoài.

Theo tài liệu nước ngoài: Nước sắc xương sông chữa sốt rét, cảm cúm, phù thũng; lá hoặc cả cây là thuốc cho ra mồ hôi, chữa viêm họng, viêm phế quản, loét miệng. Ở Malaysia, lá giã nát, sao nóng chườm lên những chỗ đau nhức, chữa thấp khớp.

Lá xương sông có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người

Món ăn chữa bệnh có xương sông

+ Chả thịt rắn: Rắn, rau ngổ, lá xương sông và lá lốt. Rắn bỏ đầu, bỏ đuôi, lột da, bỏ hết tạng phủ, róc lấy thịt, băm vụn với rau ngổ và lá xương sông, vo viên, bọc lá xương sông hay lá lốt, nướng. Món này nên ăn nóng với các rau thơm khác. Trị phong thấp.

+ Chả trai nướng: Lấy thịt con trai băm với thịt heo, gói lá xương sông. Nướng. Có tác dụng tiêu thực, chống dị ứng, cải thiện tình trạng suy giảm tình dục.

+ Thịt bò gói xương sông: Nướng trên bếp. Ăn lá xương sông thường xuyên giúp giảm mỡ cao trong máu.