Vì sao trẻ 3 tuổi bị nôn sau khi ăn?

Có rất nhiều lý do để trẻ 3 tuổi ăn vào là nôn. Nếu bé vẫn khoẻ mạnh và chỉ nôn một lượng thức ăn nhỏ thì nguyên nhân có thể do trẻ đã ăn quá nhiều và nôn phần thức ăn thừa ra. Bên cạnh đó, trẻ quá căng thẳng ở trường học hay tại nhà đôi khi cũng bị nôn.

Trẻ 3 tuổi bị nôn sau khi ăn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên đôi khi trẻ 3 tuổi bị nôn sau khi ăn lại là dấu hiệu cảnh báo cho những nguy hiểm sức khoẻ khác. Mẹ cần phải theo dõi thêm các biểu hiện đi kèm để phân biệt các bệnh lý và đưa trẻ đi khám kịp thời.

Trẻ bị nhiễm trùng đường ruột: Trẻ ở giai đoạn từ 1 – 3 tuổi rất dễ bị nhiễm trùng đường ruột do ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn hoặc lây nhiễm từ môi trường. Trẻ thường có biểu hiện đau bụng quằn quại, đi ngoài nhiều lần, sốt cao, nôn mửa từ 12 đến 24 giờ.

Mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Thời tiết từ tháng 9 đến tháng 3 thường thay đổi đột ngột, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus sinh sôi. Đây cũng là thời điểm mà trẻ em dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh. Dịch mũi họng ở trẻ, đặc biệt là đờm thường bị nuốt xuống dạ dày khiến dạ dày trẻ luôn căng đầy, khó chịu. Đôi khi ho khan, ho có đờm cũng làm cho trẻ bị nôn trớ thức ăn.

Dị dạng đường tiêu hoá: Xảy ra ở những trẻ bị khiếm khuyết hoặc dị dạng đường tiêu hóa bẩm sinh như trẻ bị teo hẹp thực quản, phình đại tràng, ruột non,... những bệnh lý này chỉ có thể khỏi khi trẻ được điều trị theo tiến đồ của bác sĩ.

Trẻ bị tắc ruột: Bệnh lý này xuất hiện khi ruột bị xoắn, tuy hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu. Triệu chứng then chốt là đau bụng dữ dội, liên tục và từng cơn, nôn ra mật xanh vàng, người trẻ lả đi, vã mồ hôi.

Dị ứng thực phẩm: Những trẻ nhỏ hơn bị dị ứng sữa sẽ gặp phải tình trạng này, những trẻ lớn hơn có thể bị dị ứng với hải sản, đậu phộng, cá... khiến trẻ buồn nôn và tiêu chảy sau khi ăn.

Trẻ bị nôn kèm biểu hiện tiêu chảy, sốt cao có thể là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm - Ảnh minh họa: Internet

Hẹp phì đại môn vị: Triệu chứng này thường hiếm gặp nhưng cũng là nguyên nhân khiến trẻ ăn vào nôn thường xuyên. Môn vị là phần cuối của dạ dày, nơi nối với tá tràng, chỉ có phẫu thuật mới khắc phục được tình trạng này.

Vấn đề về thần kinh: Trẻ 3 tuổi ăn vào bị nôn ra sau khi ngã hoặc va đập tổn thương đến vùng đầu, có thể trẻ đã bị chấn thương não cực kỳ nguy hiểm cần được chụp chiếu để chẩn đoán ngay.

Tóm lại, khi mẹ quan sát thấy trẻ 3 tuổi bị nôn sau khi ăn kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm sau đây thì nên đưa con đi khám hoặc cấp cứu kịp thời:

  • Tình trạng nôn ói liên tục, kéo dài hơn 24 giờ.
  • Cơ thể có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, miệng và mắt khô, tiểu ít hơn bình thường.
  • Trẻ sốt cao trên 38 độ C
  • Trong dịch nôn có kèm theo máu và mật xanh
  • Trẻ đau bụng dữ dội kèm theo đi ngoài nhiều lần
  • Trẻ khó thở, tim đập nhanh, bệnh tình ngày càng nghiêm trọng.
Cha mẹ không được chủ quan khi trẻ có dấu hiệu nôn ói kèm biểu hiện sốt, tiêu chảy, đau bụng quằn quại... - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ làm gì khi trẻ nôn liên tục?

Trong giai đoạn chăm sóc bé yêu thì tình trạng nôn trớ thức ăn sẽ diễn ra thường xuyên, cha mẹ cần phải biết cách phân biệt từng nguyên nhân để có phương pháp xử lý kịp thời.

Trẻ 3 tuổi bị nôn phải làm sao là thắc mắc chung của nhiều bậc phụ huynh. Cùng tìm hiểu các nguyên tắc chăm sóc trẻ ngay tại nhà để cải thiện tình trạng bệnh của con như sau:

Giữ cho trẻ không bị mất nước

Nôn mửa có thể khiến bé bị mất nước và làm sức khỏe bé suy yếu nhanh chóng. Vì thế, điều quan trọng là phải bổ sung lại lượng chất lỏng đã mất này để cơ thể bé không bị mất nước bằng dung dịch oresol, nước đun sôi để nguội hay nước trái cây.

Cha mẹ lưu ý cần bổ sung nước cho con để con không bị mất nước do nôn trớ - Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ bị nôn liên tục (cứ 5 – 10 phút/lần) thì đừng ép trẻ ăn hay uống bất kỳ thứ gì. Đến khi bụng trẻ trở lại bình thường (sau 30 phút không nôn) hãy cho bé uống từ từ một vài ngụm nước lọc hoặc nước canh, tuyệt đối không cho trẻ uống nước ngọt có ga.

Chia bữa ăn nhỏ cho bé

Để dạ dày con không bị quá tải, mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn bữa nhỏ cách nhau 3 giờ. Một số loại thức ăn thích hợp cho hệ tiêu hóa của con lúc này là bánh mì nướng, canh rau củ, súp nhẹ, khoai tây nghiền, gạo và bánh mì.

Một số trẻ bị dị ứng với sữa bò, mẹ có thể thay thế bằng sữa bột hoặc bỏ qua tạm thời.

Tránh cho con ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, bánh kẹo… vì chúng khó tiêu hoá và kích thích nôn nhiều hơn.

Bổ sung các thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hoá cho trẻ 3 tuổi bị nôn sau khi ăn - Ảnh minh họa: Internet

Không nên cho trẻ uống thuốc nôn trớ

Nôn ói là phản ứng của cơ thể để loại bỏ các chất độc hại. Trẻ sơ sinh và ngay cả trẻ lớn hơn bao gồm trẻ 3 tuổi đều không nên uống bất kỳ loại thuốc nào trừ khi có sự cho phép của các bác sĩ hoặc sử dụng biện pháp "móc họng" gây nôn rất nguy hiểm. Một số loại thuốc chống nôn không bán theo toa thậm chí có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh của bé.

Mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn.

Không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

Bảo vệ trẻ không bị sặc

Mẹ nên cẩn trọng nguy cơ trẻ bị sặc thức ăn khi nôn. Khi bé nôn, mẹ hãy đặt trẻ nằm nghiêng một bên, đầu thấp để dịch nôn không trôi vào đường thở tránh cho trẻ khỏi bị sặc.

Khi trẻ 3 tuổi ăn bị nôn sau khi ăn sẽ vô cùng mệt mỏi, sợ hãi vì vậy một giấc ngủ sẽ là cách tốt nhất để trẻ nghỉ ngơi, hồi phục sức khoẻ.

Để hạn chế tình trạng nôn ói của trẻ sau khi ăn, cha mẹ lưu ý không cho trẻ ăn quá nhiều, quá no trong một bữa ăn, đặc biệt không chơi đùa, chạy nhảy quá sức sau khi ăn. Chúng ta cũng cần chú ý đến khâu lựa chọn, chế biến thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng trẻ ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn gây ngộ độc.

Mặc dù hầu hết các trường hợp trẻ 3 tuổi bị nôn sau khi ăn có thể tự khỏi nhưng mẹ cũng không nên chủ quan, cần phải theo dõi bé cẩn thận để kịp thời điều trị. Bên cạnh đó, mẹ hãy lưu ý các nguyên tắc chăm sóc tại nhà để trẻ nhanh chóng hồi phục sức khoẻ.