Ngày đầu tiên gửi trẻ sẽ là cột mốc quan trọng đối với ông bà, ba mẹ và đối với con. Con sẽ bắt đầu xa rời vòng tay của người thân để tiếp cận với một thế giới bao la, rộng lớn, tiếp xúc với nhiều người lạ, nhiều hoạt động mới mà bé chưa thử bao giờ.

Chính vì vậy, cho trẻ đi mẫu giáo lần đầu sẽ là thử thách và khó khăn nhất mà cha mẹ cần phải vượt qua, bởi có những bậc phụ huynh đã bỏ cuộc sau 2 ngày cho con đi học.

Làm cách nào cho trẻ đi mẫu giáo lần đầu không khóc là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm - Ảnh minh họa: Internet

Cần chuẩn bị những gì khi cho trẻ đi mẫu giáo lần đầu?

Thông thường ở Việt Nam cha mẹ sẽ gửi con đi nhà trẻ khi bé được 2 tuổi. Ngoài ra, vì hoàn cảnh gia đình (không có ông bà chăm, mẹ phải đi làm sớm sau 6 tháng nghỉ thai sản…) thì có nhiều bé được cho đi trẻ sớm hơn.

Nhiều bố mẹ băn khoăn không biết độ tuổi nào là thích hợp để con đi học. Cha mẹ có thể tham khảo các yếu tố sau để quyết định con mình đã “sẵn sàng” đến lớp chưa.

Trẻ khoẻ mạnh bình thường, không có vấn đề lớn về ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt hằng ngày

Việc đi trẻ sớm con sẽ có xác suất ốm hoặc lây ốm từ các bạn xung quanh nhưng điều đó không có nghĩa là con ở nhà 100% sẽ không ốm bao giờ? Việc đi học và tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ giúp con hoàn thiện bộ máy đề kháng của mình hơn, sau một thời gian thích nghi cơ thể trẻ sẽ khoẻ dần và không còn bệnh vặt nữa.

Tìm được nhà trẻ tốt và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình

Ngày nay chúng ta thấy và nghe được nhiều tin tức về việc bạo hành trẻ mầm non, vì vậy tạo nên tâm lý lo lắng và sợ hãi cho cha mẹ khi gửi trẻ đi mẫu giáo lần đầu.

Để tránh những trường hợp xấu đó xảy ra với chính con mình, cha mẹ hãy lựa chọn trường cho trẻ theo những tiêu chí sau:

  • Bảo đảm an toàn cho trẻ: Trường có cơ sở vật chất đầy đủ như camera giám sát, hệ thống báo cháy, bếp ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng y tế chăm sóc, theo dõi sức khoẻ của bé, không gian vui chơi thoáng đãng, sạch sẽ…
  • Nhà trẻ ở gần nhà nhất có thể để cha mẹ tiện đường đưa rước.
  • Cô nuôi dạy trẻ có kiến thức chăm sóc trẻ, có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản
  • Số lượng trẻ/ đầu giáo viên ít.
  • Chính bản thân cha mẹ phải cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với nhà trẻ, cô nuôi dạy…
  • Nhà trẻ chấp nhận thời gian thích nghi.
Tìm được trường học an toàn, phù hợp với trẻ và điều kiện kinh tế gia đình là tiêu chí hàng đầu khi chọn trường cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ

Tâm lý của trẻ lần đầu đi mẫu giáo là lo lắng, sợ hãi, rụt rè vì nhiều cái mới, cái lạ đến với trẻ cùng một lần. Vì vậy, cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con trước khi con đến lớp. Hãy trò chuyện, giải thích cho con trước dù bé chưa hiểu hết ngôn ngữ nhưng ít nhất trẻ cũng sẽ hiểu thông qua thái độ, giọng nói của cha mẹ.

Về chuyện ăn uống của con, hãy tập cho con ăn cơm nát nếu con đã trên 2 tuổi xen kẽ bú bình hoặc uống sữa bằng cốc. Như vậy, sẽ dễ dàng cho các cô chăm trẻ và giúp bé thích nghi với môi trường mới nhanh hơn

Chuẩn bị cặp sách, mền gối, vật dụng cá nhân có dán tên con để không nhầm lẫn với các bạn cùng lớp.

Bên cạnh đó, để bé ít bỡ ngỡ với ngôi trường mới, ba mẹ có thể dẫn bé đi tham quan trường và làm quen với các cô trước ngày đi học, kể cho trẻ về các hoạt động vui chơi trong lớp,… 

Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ đi học mẫu giáo lần đầu để trẻ không bỡ ngỡ, sợ hãi - Ảnh minh họa: Internet

Kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ không khóc

Có bé sẽ thích nghi sớm với trường học trong tuần lễ đầu tiên, tuy nhiên cũng có bé đi nhà trẻ khóc nhiều trong nhiều ngày liên tiếp. Làm cách nào cho trẻ đi học không khóc là câu hỏi nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng kinh nghiệm cho bé đi mẫu giáo lần đầu sau đây:

Thời gian thích nghi trong tuần đầu tiên

Ngày 1: Là ngày tới thăm nhà trẻ cùng em bé. Dự kiến chừng 1-2 giờ. Đủ để hai bên giới thiệu, làm quen, thăm các khu vực của nhà trẻ. Em bé - cha mẹ và cô giữ chính gặp nhau.

Hai bên trao đổi những vấn đề chính về quy định của nhà trẻ, cách thức hoạt động, thói quen của em bé, những vấn đề liên quan đến sức khoẻ (nếu có)

Ngày 2: Dự kiến chừng 2-3 giờ. Em bé đến nhà trẻ với cha mẹ, hoặc một trong hai người. Cả hai (hoặc ba) sống ở nhà trẻ, em bé được ở cạnh trẻ con khác trong khoảng thời gian đó.

Cha mẹ hãy cùng tham gia lớp học với con trong những ngày đầu tiên bé đi học để con thích nghi - Ảnh minh họa: Internet

Ngày 3: Dự kiến chừng 1/2 ngày. Em bé chơi cùng với cha/ mẹ ở nhà trẻ đến bữa ăn trưa, bé ăn bữa đầu tiên ở nhà trẻ xong rồi về.

Ngày 4: Em bé ở nhà trẻ với cha mẹ khoảng 1/2 giờ đến 1 giờ. Sau đó cha mẹ để em ở lại nhà trẻ đến, em ăn bữa trưa với cô và các bạn xong rồi cha mẹ đón về.

Ngày 5: Cha mẹ cũng chơi với em một lúc, sau đó để em bé lại nhà trẻ, em ăn bữa trưa và ngủ trưa xong thì cha mẹ đón về.

Cha mẹ cũng có thể lựa chọn chỉ gửi trẻ bán thời gian, khoảng 2 – 3 ngày/ tuần hoặc đón con sớm vào tuần đầu tiên con đi học.

Cách tạm biệt con

Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến việc trẻ có thích nghi được với nhà trẻ hay không. Cha mẹ hãy lần lượt áp dụng các bước sau:

  • Khi chia tay con, hãy nói với con lời nhẹ nhàng, rõ ràng, hẹn giờ đón con ngay cả khi con chưa có khái niệm thời gian.
  • Nếu con khóc khi chia tay hoặc ôm ghì mẹ không cho mẹ đi, hãy ngồi xuống, ôm trẻ vào lòng, xoa đầu, xoa tay con thêm vài phút rồi hãy chia tay nhau.
  • Hãy cho con món đồ chơi yêu thích hoặc một cái gối ôm con hay ôm ngủ…Những đồ vật thân thuộc này sẽ làm cho trẻ bớt cảm thấy cô đơn, lẻ loi, có cảm giác an toàn, vững tâm hơn khi xa cha mẹ.
  • Những ngày đầu tiên, cha mẹ tuyệt nhiên không nên chia tay mà không báo trước cho trẻ về sự vắng mặt của mình. Như vậy trẻ sẽ có cảm giác mình bị bỏ rơi, từ đó sẽ không thích trường học nữa.
Để trẻ đi học mẫu giáo lần đầu không khóc khi chia tay cha mẹ, hãy ôm hôn trước khi chào tạm biệt con - Ảnh minh họa: Internet

Thời gian đón con về

Trẻ đi học mẫu giáo lần đầu nên được đón sớm trong vài ngày đầu tiên. Khi đón con về, có thể cho con ở lại chơi vài phút với bạn, hỏi han cô giáo tình hình của con trong ngày.

Những ngày đầu khi thấy cha mẹ đến đón nhiều bé sẽ khóc nức nở hoặc giận cha mẹ…Cha mẹ hãy ôm con vào lòng, giải thích cho con với những từ ngữ nhẹ nhàng. Chấp nhận mình có thể bị con giận. Chấp nhận một số hẫng hụt, một số phản ứng ban đầu của con…

Sau khi con đi học về, cha mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện về ngày học hôm đó để hiểu thêm về tính cách, sở thích, bạn bè của con cũng như ở trường có điều gì làm con lo lắng, sợ hãi hay không? Cha mẹ nên hỏi những câu hỏi mở như “Sáng nay con chơi trò chơi gì?”, “Trưa con ăn món gì?”

Bố mẹ hãy giúp bé cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ khi trẻ đi học mẫu giáo lần đầu - Ảnh minh họa: Internet

Có thể bạn cần phải chuẩn bị phương án B như nhờ ông bà hoặc kiếm người trông trẻ một thời gian nếu như bé không thích nghi hoặc trẻ bị ốm liên tục… Đừng lo lắng, căng thẳng mà hãy để con ở nhà một thời gian nào đó rồi hãy tập lại.

Cho con đi học sẽ giúp trẻ học hỏi và hoàn thiện kỹ năng, tính cách của bản thân mình. Chỉ cần áp dụng một vài mẹo nhỏ được chia sẻ ở trên thì việc cho trẻ đi học mẫu giáo lần đầu sẽ không còn là nỗi “ám ảnh” của cha mẹ và bé nữa.