Kiến ba khoang vào mùa

Khoảng 1 tháng nay, khu xung quanh nhà chị Hoàng Lan (Hà Đông) Hà Nội bắt đầu vào mùa kiến ba khoang. Chị Lan trên đường đi làm về thấy con kiến ba khoang đậu vào bắp tay. Theo phản ứng, chị Lan lấy tay di con kiến trên da. Lập tức toàn bộ vùng da của chị Lan bỏng rát. Vì đang đi trên đường nên chị Lan cũng không có cách nào sơ cứu.

Về tới nhà, da đã phỏng lên thành các mụn rộp, toàn bộ vùng da đau rát. Chị Lan đi mua hồ nước về bôi nhưng do ở vùng cánh tay, khi sinh hoạt đã làm các mụn rộp vỡ ra và viêm da lan sang các vùng da khác. Chị Lan phải vào bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết thời gian này cũng có nhiều trường hợp bị kiến ba khoang tấn công phải vào viện khám.

Kiến ba khoang cực độc - Ảnh minh họa: Internet

Chị Đỗ Thị Lý (Mỹ Đình, Hà Nội) đưa bé Diệu Anh 2 tuổi vào khám vì hết vùng da trong cánh tay của bé bị phổng rộp. Chị Lý không rõ đây là phỏng do kiến ba khoang hay do bé bị zona thần kinh.

Vì sợ bé bị biến chứng hơn nữa nếu bị kiến ba khoang không điều trị cẩn thận có thể để lại sẹo rất xấu trên da nên cho cho bé vào bệnh viện khám.

Bác sĩ chẩn đoán viêm da do tiếp xúc với côn trùng và cụ thể ở đây là kiến ba khoang. Tại bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tấn công. Người dân có thể nhầm lẫn với các bệnh zona thần kinh khác.

Ví dụ như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thành (31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện vì vết viêm da dài ở cổ, gáy. Anh Thành nghĩ có thể là triệu chứng zona thần kinh vì anh mắc áo dài tay, cao cổ thì không thể bị kiến ba khoang đốt.

Tuy nhiên, các vết dịch này ngày càng chảy ra và lan rộng. Khi vào viện thì tổn thương viêm da đã nặng. Qua 2 năm, vết sẹo loang ở cổ, gáy vẫn không hết. Cứ mỗi lần nhìn thấy nó, anh Thành lại xuất hiện nỗi ám ảnh mang tên kiến ba khoang.

Chất độc của kiến ba khoang cực độc

Theo TS Lê Thành Duy, Trung Tâm Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa mưa, mùa thu hoạch. Nhất là ở miền bắc khi người dân xung quanh thu hoạch hết lúa, hoa màu kiến ba khoang không còn nơi sinh sống và chúng bắt đầu “di cư” vào thành phố nơi có những ánh đèn sáng để tấn công con người.

Khi bay vào nhà, kiến ba khoang thường đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn… Nếu không để ý tiếp xúc với kiến ba khoang, làm thân con kiến dập nát thì các độc tố trong người kiến ba khoang tiếp xúc với da gây tổn thương nặng.

Sơ cứu kiến ba khoang như thế nào - Ảnh minh họa: Internet

TS Duy cho rằng chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hoặc bị giết.

Chất độc của kiến ba khoang được xem như có độc tính cực mạnh. Là chất Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ. Nhưng chất độc này có lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Dấu hiệu khi bị kiến ba khoang cắn là những tổn thương ở mặt, cánh tay… thành những đám nhỏ. Ban đầu có thể đỏ rát kèm theo các mụn nhỏ có mủ và có điểm lõm ở giữa nhưng rộp mụn to. Nếu không chăm sóc cẩn thận, mụn rộp vỡ ra và gây tổn thương rộng ra những vùng tiếp xúc với dịch.

TS Duy cho biết khác với zona thần kinh, tổn thương do chất độc của kiến ba khoang thường đau rát ngứa ngáy. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch thậm chí biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Khi bị kiến ba khoang đốt, nếu các tổn thương nhỏ có thể bôi hồ nước, dùng thêm mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh để bôi lên da. Tổn thương có mủ kèm chảy dịch nên dùng Xanhmetilen hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị.

Để tránh bị chất độc kiến ba khoang tấn công, khi kiến ba khoang tiếp xúc trên da không nên phản xạ di chết chúng mà lấy tay búng nhẹ ra rồi mới bắt chúng ra bằng các vật dụng nào đó. Khi dịch của kiến ba khoang bị dính trên da nhanh chóng rửa bằng nước sạch hoặc có xà phòng.

Để phòng kiến ba khoang tấn công, TS Duy khuyến cáo người dân nên thận trọng vào mùa kiến ba khoang giảm bớt đèn vào buổi tối. Có lưới chắn côn trùng muỗi, kiến ba khoang. Vệ sinh chăn màn sạch sẽ. Khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ giường, ga, chăn, gối để phòng kiến ba khoang tấn công.