Vài ngày nay, bé Nam 2 tuổi, trú ở Tây Hồ, liên tục đau rát, ngứa nhiều về đêm, vùng da hai bên má nứt nẻ. Hai chân trẻ sần sùi, khô ráp, thoa kem dưỡng không hiệu quả. "Mỗi lần bôi thuốc là con lại khóc thét lên vì rát, hai tay dụi dụi cố lau đi", chị Lan, mẹ bé nói.

Da khô, nứt nẻ khiến bé khóc nhiều, đêm ngủ ít, buộc hai vợ chồng phải thay phiên thức bế con. Trẻ lười ăn, kể cả món ăn ưa thích. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm da, da nhạy cảm với thời tiết lạnh. Bệnh phải điều trị lâu dài, có nguy cơ tái phát.

Trường hợp khác, chị Lan, 25 tuổi đi khám do đau rát, da nứt nẻ nhiều, có vảy như da rắn. Mỗi đêm, chị bị ngứa không thể ngủ, càng gãi càng vùng da tổn thương lan rộng, đau nhức khắp người. Chị tiền sử mắc bệnh vảy nến, cứ trời lạnh là tái phát nặng hơn. Căn bệnh khiến chị mặc cảm, hiếm khi cho ai thấy làn da mình.

"Làn da nhạy cảm, đụng đâu là bong tróc, nứt nẻ khiến tôi mất ăn, mất ngủ, tự ti", người phụ nữ nói.

Bác sĩ Đỗ Kim Anh, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết thời điểm giao mùa, làn da dễ bị tổn thương, mất nước, bong tróc, viêm sưng... Da bị thô ráp gây đau đớn, ngứa, thậm chí nứt sâu có thể chảy máu.

Nguyên nhân khiến da thô ráp, nứt nẻ có thể do bệnh viêm da có sẵn mà không được điều trị. Các yếu tố khác như stress, căng thẳng, rối loạn cảm xúc, hormone cũng khiến làn da nhạy cảm hơn. Thói quen dùng mỹ phẩm kém chất lượng, chế độ ăn không khoa học, dùng rượu bia, hút thuốc lá cũng sẽ ảnh hưởng đến làn da. Trường hợp dưỡng da quá kỹ nhưng không đúng cách hoặc không thường xuyên cũng khiến cho làn da dễ nứt nẻ, bong tróc hơn.

Yếu tố về môi trường như ô nhiễm môi trường, thời tiết nóng, lạnh, gió, tia UV từ ánh nắng mặt trời dễ khiến cho làn da bị nhạy cảm nhiều hơn.

Thông thường, làn da của nữ giới có xu hướng nhạy cảm nhiều hơn nam giới. Người có nền da mỏng và trắng, đang có các bệnh lý về da, có thói quen trang điểm nhiều cũng dễ bị nhạy cảm...

Da trẻ bong tróc, nứt nẻ, sưng đỏ như da rắn do trời lạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, vào mùa đông, nhiệt độ giảm, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi ít hoạt động làm mất các chất dưỡng ẩm tự nhiên của da, bác sĩ Lê Minh Châu, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, nói. Độ ẩm môi trường thấp cũng tăng khả năng mất nước qua thượng bì, khiến làn da trở nên khô hơn. Trời lạnh, xu hướng tắm nước nóng nhiều hơn, dễ mất các chất dưỡng ẩm tự nhiên trên da và tăng tình trạng mất nước qua thượng bì. Mọi người lười uống nước hơn, khiến da dễ bị khô hơn.

Theo bác sĩ, ai cũng có thể gặp tình trạng da khô, nứt nẻ trong mùa lạnh, song thường thấy hơn ở những người có tiền căn viêm da cơ địa, chàm. Nhóm này cần điều trị dứt điểm để hạn chế phát ban tái phát vào mùa đông.

Để hạn chế bị khô da, bạn nên dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi tắm và rửa tay để cấp ẩm cho da. Sử dụng thêm dầu khoáng hoặc các loại dầu tự nhiên như ô liu, dầu dừa. Nên chọn loại dưỡng ẩm không mùi, không có chất kích ứng. Có thể làm mát da bằng cách xịt khoáng, tránh nắng an toàn cho làn da để tránh các dấu hiệu nóng rát trên da nhạy cảm. Hạn chế cào gãi, gãi khiến da bị nứt và chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, làm nhiễm trùng da.

Không dùng nước quá nóng để tắm hay rửa mặt. Giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5-10 phút và không nên tắm nhiều hơn một lần mỗi ngày.

Dành 5-10 phút tẩy da chết, loại bỏ phần da thô ráp để da mịn màng. Bảo vệ da khi ra ngoài bằng kem chống nắng, đồ dùng để che chắn như mũ, áo, khẩu trang...

Tránh chà xát hoặc gãi nếu da có dấu hiệu ngứa khó chịu để không làm tổn thương da, tránh tình trạng viêm da và nhiều bệnh da liễu khác. Tránh mặc quần áo có chất liệu như len, dạ hay đồ bằng nilon.

Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung vitamin cho cơ thể, như vitamin B trong gà tây, cá ngừ, ngũ cốc, đậu, chuối giúp da khỏe mạnh, phục hồi làn da khô. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước.