Khi nào cho trẻ sơ sinh ăn dặm?

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương Quốc Anh), cho biết thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm là từ 6 tháng tuổi trở đi. Lúc này, bé đã có 2 điều kiện sẵn sàng cho việc ăn uống: Hệ tiêu hóa đã dần hoàn thiện và trẻ có thể ngồi khi ăn. Nếu cha mẹ có ý định cho trẻ ăn sớm hơn thì không dưới 5,5 tháng tuổi. Cho trẻ ăn quá sớm có thể khiến trẻ biếng ăn hoặc hoặc tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm.

Cha mẹ không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm - Ảnh minh họa: Internet

Về thời điểm ăn thích hợp trong ngày, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết trẻ trước 2 tuổi nên được cho ăn sau 15 phút khi bữa cơm gia đình kết thúc. Khi các thành viên gia đình ăn, trẻ có thể ngồi gần khu vực bàn ăn để quen với không khí bữa ăn gia đình.

Sau 2 tuổi, nên cho trẻ ngồi ăn cơm cùng gia đình - Ảnh minh họa: Internet

Sau 2 tuổi, nên cho trẻ ngồi ăn cùng các thành viên gia đình. Trẻ cũng nên có chén thức ăn và loại thức ăn với gia vị gia giảm phù hợp. Hoạt động này sẽ giúp bé học được hành vi ăn uống của mọi người trên bàn ăn.

"Nhiều phụ huynh thường cho trẻ ăn trước để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, điều này có thể làm trì hoãn việc học hành vi ăn uống của bé", bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ. 

Những lưu ý cho cha mẹ khi bắt đầu ăn dặm

Không nên ép con ăn, kiên trì tập cho con đa dạng thức ăn

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh cha mẹ tuyệt đối không nên ép trẻ ăn. Thay vào đó, cha mẹ cần học cách hiểu được cử chỉ giao tiếp của trẻ với 3 nhu cầu cơ bản: No, đói và không hứng thú.

Nếu trẻ no, cha mẹ nên dừng lại, nếu tiếp tục ép con có thể gây ra chứng biếng ăn. Khi trẻ không hứng thú, cha mẹ nên tạm dừng, thay thế bằng bữa ăn phụ hoặc cách ăn dạng cầm tay để tạo sự mới mẻ.

Cha mẹ không ép con ăn quá nhiều, tránh tạo tâm lý không tốt khi ăn dặm - Ảnh minh họa: Internet

Đối với những thức ăn trẻ không thích ăn lần đầu, cha mẹ nên kiên trì tập lại cho trẻ trong những lần sau.

Kiên trì tập cho con làm quen với mùi vị thức ăn

Trong quá trình tập ăn dặm, trẻ sẽ bắt đầu quen với 3 loại mùi vị thức ăn cơ bản: Những vị không cần nỗ lực (vị ngọt, vị mặt), những vị cần nỗ lực (vị chua, vị đắng) và vị tự phát triển (umami).

Cha mẹ nên có lộ trình thích hợp để trẻ làm quen với 3 loại mùi vị theo 3 giai đoạn. Quá trình này giúp trẻ ít thay đổi tâm lý khi bắt đầu ăn dặm, trẻ không còn lười ăn và bắt đầu quen với cấu trúc và mùi vị thức ăn. Từ đó, trẻ ít bị dị ứng thức ăn hơn, cân nặng và chiều cao phát triển tốt hơn.

Thay đổi cấu trúc thức ăn theo độ tuổi 

Tùy vào từng giai đoạn mà cha mẹ lên kế hoạch thay đổi cấu trúc thức ăn theo đúng độ tuổi. Theo đó, khi trẻ sơ sinh bắt đầu ăn dặm đến trước 7 tháng tuổi, cấu trúc thức ăn phù hợp là loãng mịn để chuyển từ dạng lỏng của sữa sang dạng đặc của thực phẩm.

Trẻ sau 10 tuổi đã có thể ăn được cơm nát hoặc cơm dẻo - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ từ 7 – 10 tháng tuổi, nên ăn thức ăn đặc, không cần quá loãng và mịn. Sau 10 tháng tuổi, trẻ có thể cầm, bốc thức ăn để khám phá và có thể ăn được cơm nát và cơm dẻo.