Khen ngợi trẻ như thế nào là đúng cách? (P2)
Thời điểm tốt nhất cha mẹ nên khen trẻ
Về thời điểm tốt nhất để dành tặng cho trẻ lời khen, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết cha mẹ nên dành lời khuyên cho trẻ ngay khi con làm việc tốt, chậm nhất trong vòng 12 giờ đồng hồ.
Một nghiên cứu của các chuyên gia đã kết luận: Sau khi nỗ lực làm một việc gì, trẻ cần ai đó động viên và khích lệ, cảm xúc về việc làm này của trẻ sẽ giảm dần sau 12 tiếng.
Vì vậy, cha mẹ nên dành tặng lời khen cho con ngay khi trẻ nỗ lực hoàn tất công việc hoặc ít nhất trong vòng 12 giờ đồng hồ sau đó. Sau thời gian này, nếu cha mẹ đã quên, không nên khen con nữa.
Thay vào đó, cha mẹ hãy hỏi con đã hoàn thành công việc như thế nào. Nếu trẻ chia sẻ với cha mẹ, hãy tận dụng cơ hội này để khen con. Khi cha mẹ vẫn quên, không nên nhắc đến và đợi thời điểm khác thích hợp hơn.
"3 không" khi khen trẻ
Để lời khen có tác dụng, cha mẹ cũng cần chú ý sử dụng câu từ dễ hiểu đối với lứa tuổi của con. Theo đó, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết khi khen con, cha mẹ nên chú ý:
Thứ nhất, không nên khen trực tiếp trẻ mà không nhắc đến quá trình nỗ lực: Nếu khen như vậy rất mơ hồ, trẻ nhỏ cần được hiểu: Cha mẹ khen trẻ ở điểm nào, ở quy trình nào... Lúc này nhận thức của trẻ mới có cơ hội rèn luyện phát triển. Cha mẹ nên sửa lại: Khen trực tiếp bé nhưng thêm câu ngắn mô tả quy trình nỗ lực.
Ví dụ: Thay vì nói "Con của mẹ tuyệt vời quá!", hãy sửa lại thành: "Con của mẹ tuyệt vời quá! Đã xếp được 2 khối gỗ, con thử thêm 1 khối màu xanh này nữa nhé!"
Thứ hai, không nên đưa cảm xúc của cha mẹ vào mà không có quy trình nỗ lực: Đưa ý kiến, suy nghĩ của cha mẹ về nỗ lực của bé là đúng. Tuy nhiên không nên cường điệu quá và cũng cần cho trẻ biết tại sao mẹ có cảm xúc đó, cảm xúc đó ở nỗ lực nào của mình. Não bộ trẻ là những mảnh ghép, mọi hình ảnh đều được chia nhỏ và trẻ cần rõ ràng để có thể xếp thành bức tranh lớn để học.
Vì vậy, cha mẹ hãy dùng từ mô tả cảm xúc ở mức độ vừa phải và thêm 1 câu ngắn mô tả quy trình nỗ lực.
Ví dụ: Thay vì nói "Mẹ thật tự hào vì con vì con đã làm được", hãy sửa thành "Mẹ vui lắm vì con đã xếp được 2 khối gỗ, con thử thêm 1 khối màu xanh này nữa nhé!"
Thứ ba, không nên nhắc lại quá khứ để nhấn mạnh hiện tại: Nhiều cha mẹ nghĩ rằng nhắc lại những nỗ lực trước đó để trẻ thấy nỗ lực của trẻ hiện tại là xứng đáng.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khẳng định cách tốt hơn và rõ ràng hơn là nhấn mạnh nỗ lực của hiện tại. Điều này sẽ phù hợp hơn với những nhận thức còn đang học hỏi của trẻ nhỏ.
Việc nhắc lại quá khứ hôm qua không ý nghĩa vì não bộ trẻ sẽ dành năng lượng cho việc học hỏi ở hiện tại. Do đó, cha mẹ nên tương tác tốt với trẻ tại lúc nói, đừng khen hay càu nhàu nhiều những việc trẻ làm ở quá khứ.
Làm tốt hiện tại thì những thói quen xấu trước đó của trẻ sẽ tự thay thế dần với những hành vi tốt trẻ vừa học được.
Ví dụ: Thay vì nói "Hôm nay con đã làm được rồi, hơn hôm qua đó", cha mẹ hãy sửa thành "Hoan hô, con đã xếp được 3 khối đó! Yeah nào!"
Nội dung lời khen dành cho trẻ
Khi khen trẻ, cha mẹ hãy nói thẳng những suy nghĩ về nỗ lực của con để trẻ hiểu ngay. Ví dụ: "Mẹ thích", "Mẹ hài lòng", "Mẹ thấy vui"...
Bên cạnh đó, đừng quên nhắc lại nỗ lực của con. Đồng thời, khuyến khích con suy nghĩ thêm cách khác hoặc một cách thể hiện như giao kèo, chứng nhận thành tích của con: "Chạm tay nào! Yeah!"
Ví dụ: "Wow, mẹ thích cách con xếp cao được 3 khối gỗ, con thử xem có cách xếp khác nào làm khối gỗ dài ra không nhỉ?"
Đối với ví dụ này, nội dung đã bao gồm 3 ý cần thiết dành cho trẻ: Thể hiện cảm xúc của mẹ, ghi nhận nỗ lực của con và gợi ý những cách làm sáng tạo khác cho bé.
Có thể thấy, khen ngợi và khích lệ con đúng cách trong những năm đầu đời chính là "chiếc chìa khóa vàng" giúp con phát triển toàn diện.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...