Lợi ích khi bố mẹ kể chuyện cho bé nghe từ nhỏ

1. Dạy con những thói quen tốt

Hầu hết các bé đều thích nghe được bố mẹ kể chuyện và hát ru cho bé ngủ mỗi tối, vì bé muốn biết nhiều hơn về các nhân vật yêu thích của bé và cố gắng bắt chước giống họ. Khi kể những câu chuyện mang thông điệp có ý nghĩa, bố mẹ có thể khéo léo giúp bé ghi nhớ rõ ràng các phẩm chất như: thông minh, can đảm, thật thà… từ khi còn nhỏ.

2. Giúp trẻ hiểu rõ hơn về nền văn hóa

Kể chuyện cho bé trước khi đi ngủ về những câu chuyện về tuổi thơ của bố mẹ, về các hoạt động, phong tục tập quán địa phương và các lễ hội mà bố mẹ từng tham gia. Điều này sẽ giúp trẻ thích thú hơn về những nét văn hóa truyền thống và giúp trẻ hiểu rõ hơn về nguồn cội.

3. Phát triển vốn từ

Không chỉ là giải trí, dễ ngủ mà việc kể chuyện cho bé nghe còn giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ, biết nói lời hay ý đẹp - Ảnh minh họa: Internet

Việc nghe đọc truyện còn giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ cũng như từ ngữ và câu từ mới. Đây là một cách hay để dạy con từ mới và phát âm những từ cơ bản rõ ràng hơn.

4. Cải thiện kỹ năng nghe

Đa số trẻ chỉ tập trung trong thời gian ngắn, trẻ nhỏ thường cảm thấy khó khăn khi phải theo dõi một câu chuyện dài. Do đó, trẻ có xu hướng nói nhiều nhưng không dành thời gian nghe người khác nói. Việc kể chuyện cho bé không những giúp bé tập trung hơn mà còn biết lắng nghe và thấu hiểu.

5. Khuyến khích khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng

Thay vì xem phim hoạt hình với hình ảnh, âm thanh sống động, trẻ có thể phát triển trí tưởng tượng về các nhân vật, địa điểm trong các câu chuyện kể cho bé trước khi đi ngủ. Suy nghĩ tự do sẽ giúp trẻ sáng tạo hơn, không theo khuôn mẫu. 

6. Định hình trí nhớ

Sau khi kể cho bé nghe một câu chuyện, bố mẹ có thể nhờ bé nhắc lại câu chuyện này trong vài ngày sau và miêu tả lại câu chuyện nhiều lần. Đây là một cách thú vị để tăng cường trí nhớ cho bé và kích thích khả năng tập trung của chúng.

7. Mở rộng tầm nhìn cho bé

Thông qua việc kể chuyện cho bé ngủ, bố mẹ còn có thể giúp trẻ quen thuộc hơn với nhiều nơi và văn hóa trên thế giới. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thêm những câu chuyện từ quốc gia và nền văn hóa khác nhau để con có thể mở rộng hiểu biết về thế giới.

8. Hỗ trợ việc học trở nên dễ dàng hơn

 Giới trẻ ngày nay đang dần bỏ quên thói quen đọc sách, vì vậy bố mẹ cần hình thành cho bé niềm yêu thích những quyển sách ngay từ nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Kể chuyện là bước đầu tiên của việc học, rất nhiều trẻ có thói quen học vẹt mà không hiểu gì về môn học đó. Nếu được nghe kể chuyện thường xuyên, bé sẽ thích thú và hiểu hơn những điều mà chúng đọc. Điều này giúp chúng học các môn tốt hơn. Ví dụ, chúng có thể biến những cuộc chiến tranh trong lịch sử thành những câu chuyện thú vị.

9. Giao tiếp tốt hơn

Trẻ nhỏ thường có tâm lý ngại ngùng, do đó thông qua việc kể chuyện, bé sẽ biết cách đặt câu hỏi như thế nào. Bên cạnh đó, bé cũng biết cách tạo nên một cuộc hội thoại hoàn hảo, giúp trẻ tự tin hơn và phát triển kỹ năng giao tiếp.

10. Bình tĩnh với tình huống khó khăn

Khi gặp tình huống khó khăn, trẻ nhỏ thường cảm thấy bối rối và không biết cách xử lý. Tuy nhiên, bé sẽ có hướng giải quyết vấn đề tốt hơn thông qua cách mà nhân vật xử mà bố mẹ đọc truyện cho bé ngủ mỗi tối. Vì vậy, phụ huynh nên kể cho con cả chuyện buồn lẫn chuyện vui nhiều như nhau, nhằm giúp con trang bị tốt hơn kinh nghiệm cho cuộc sống muôn màu.

Khi nào nên bắt đầu kể những câu chuyện cho bé ngủ ngon giấc?

Kể chuyện cho bé đi ngủ mang lại nhiều lợi ích, vậy khi nào bố mẹ nên kể chuyện cho con là điều mà không phải phụ huynh nào cũng biết. Khi bé còn quá nhỏ, chưa hiểu những cuộc nói chuyện xung quanh thì việc kể chuyện cho trẻ sơ sinh liệu có hiệu quả hay không.

Theo một quan điểm hiện đại, lúc trẻ là bắt đầu từ 8 tháng tuổi là thời điểm phù hợp để bố mẹ thay thế những điệu hát ru bằng những câu chuyện kể cho bé phù hợp. Nên bắt đầu với những câu chuyện ngắn có hình ảnh minh họa, nội dung sinh động để hấp dẫn con.

Ở tuổi này, bé đã có phản ứng thích thú với những câu chuyện. Từ 18 tháng trở đi, cha mẹ vừa đọc truyện và trao đổi với con sẽ làm cho câu chuyện có tác động mạnh mẽ hơn.

Nghệ thuật kể chuyện cho bé nghe mỗi tối

1. Chọn nội dung phù hợp

Nội dung phù hợp với lứa tuổi là yếu tố tiên quyết khi bố mẹ quyết định mua một quyển truyện để đọc cho bé mỗi tối - Ảnh minh họa: Internet

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là chọn các câu chuyện mang ý nghĩa phù hợp với độ tuổi của con. Ví dụ nội dung khi chọn truyện kể chuyện cho bé 1 tuổi phải có nội dung đơn giản, ngắn gọn, câu từ dễ hiểu hơn so với khi kể chuyện cho bé 2 tuổi hoặc ít đặt nặng tính giáo dục hơn so với câu chuyện cho bé 3 tuổi.

Vì vậy, trong 1001 chuyện kể cho bé trước giờ đi ngủ, bố mẹ không phải cứ thích truyện nào thì kể truyện đó mà nên chọn các câu chuyện dành riêng cho lứa tuổi của con, được phát hành từ các nhà xuất bản uy tín. Có như vậy, con bạn mới có thể hiểu được câu chuyện mà bố mẹ đang kể.

2. Độ dài phù hợp

Độ dài của chuyện ngắn hay dài cũng nên lựa chọn phụ thuộc vào từng độ tuổi của con. Nếu con còn nhỏ nên nhận thức còn hạn chế, bố mẹ nên chọn câu chuyện có ít nhân vật, ngắn và đơn giản và nên là các nhân vật mà bé có khả năng tưởng tượng ra. Rất dễ nhận thấy, việc kể chuyện cho bé 5 tuổi không thể nào giống với việc kể chuyện cho bé sơ sinh.

3. Giọng điệu khi kể chuyện cho bé nghe

Dù không thể đạt được độ chuyên nghiệp như phát thanh viên trên báo đài, radio… nhưng giọng của cha mẹ lại là giọng nói gần gũi, quen thuộc mà con yêu thích nhất.

Tuy nhiên, không vì thế mà bố mẹ chỉ đọc đơn thuần mà nên cố gắng tạo được giọng điệu theo nội dung câu chuyện, theo từng nhân vật một cách truyền cảm nhất có thể giúp con cảm nhận nội dung tốt hơn.

4. Kiên nhẫn hình thành thói quen kể chuyện cho bé nghe mỗi tối

Khi trẻ em nghe đọc truyện, con thường sẽ không ngồi yên lắng nghe nếu khi đó bé thực sự chưa muốn đi ngủ hoặc bé quá yêu thích món đồ chơi nào đó. Vì vậy, việc hình thành thói quen, kỷ luật đối với trẻ là cần thiết.

Ví dụ như đến giờ kể chuyện, bé phải nằm hoặc ngồi cùng bố mẹ, bỏ hết đồ chơi và chỉ tập trung nghe bố mẹ truyền đạt. Hãy là ông bố bà mẹ tâm lý, khéo léo nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý ở từng độ tuổi, không nên quá ép buộc cũng như quá dễ dãi với con để bé thật sự xem giờ kể chuyện là thời gian đáng mong chờ mỗi ngày.

5. Không cố đưa quá nhiều bài học vào câu chuyện

Không nhấn mạnh nguyên nhân hệ quả cho con quá nhiều khi kể chuyện. Thông thường, cha mẹ hay tập trung chỉ ra nhân vật tốt và nhân vật xấu khi kể chuyện trong khi không hiểu rằng kể chuyện cho bé 3 tuổi sẽ không thể đòi hỏi trẻ hiểu quá nhiều về những điều này.

Quá nhiều bài học sẽ khiến con cảm thấy căng thẳng - Ảnh minh họa: Internet

Khi bố mẹ quá nâng cao ý nghĩa giáo dục sẽ làm mất đi sự hấp dẫn của câu chuyện và các tình tiết, làm hạn chế con phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, điều quan trọng của các câu chuyện mang lại cho con bạn trong giai đoạn này. Hãy để bé tự thắc mắc, gợi ý cho bé tự hỏi và kiên nhẫn giải đáp đúng, đủ theo những gì trẻ muốn hiểu.

6. Không lựa chọn câu chuyện quá phức tạp, quá tình cảm

Như đã đề cập ở trên, bố mẹ cần lựa chọn các câu chuyện phù hợp với lứa tuổi của con. Tuy nhiên cũng không hoàn toàn bị động theo nhãn lứa tuổi ghi trên quyển truyện mà bố mẹ đã mua, có thể có những câu chuyện quá phức tạp, quá tình cảm, bố mẹ nên chọn lọc lại trước khi kể chuyện cho bé để tránh việc con khó ngủ sau đó.

Tốt nhất, bố mẹ nên chọn những câu chuyện ngắn, nội dung về tình bạn, gia đình, thầy cô, những bài học ý nghĩa với nội dung đơn giản có thể áp dụng cho lứa tuổi từ nhỏ tới lớn, không nên chăm chú quá vào câu chuyện tình yêu đôi lứa.

Có thể thấy, kể chuyện cho bé nghe không đơn thuần là đọc một đoạn văn rồi cho bé ngủ. Hãy đặt thêm tâm tư vào những câu chuyện, bố mẹ sẽ cảm thấy những lợi ích từ những giây phút dành cho con sẽ không ngoài mong đợi.