Công dụng của việc tắm lá khế cho trẻ sơ sinh

Tắm lá khế cho trẻ sơ sinh là bài thuốc lưu truyền từ xưa đến nay. Nhiều mẹ thấy rằng lá khế tắm cho trẻ sơ sinh sẽ giúp da trẻ mịn màng, sạch sẽ, mát mẻ hơn. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp sau khi tắm xong thì làn da trẻ bị nổi mụn, viêm loét hơn. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại không biết tắm lá khế cho trẻ sơ sinh có tốt không?

Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc tắm lá khế cho trẻ sơ sinh có thực sự tốt không? - Ảnh minh họa: Internet

Theo Đông y, lá khế nhất là khế chua có thể giúp chữa các bệnh ung nhọt, dị ứng, mề đay, mẩn ngứa, rôm sảy. Do có tính chất thanh nhiệt, khi phong, chuyên dùng để điều trị các chứng bệnh phong.

Rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ thường xuất hiện nhiều khi trời nóng, cơ thể trẻ sẽ tiết mồ hôi nhiều do cơ chế tự làm mát cơ thể, các lỗ chân lông giãn nở để thoát nhiệt nên dễ bị bụi bẩn xâm nhập gây nhiễm trùng mẩn ngứa, mồ hôi ứ đọng ở các khe hẹp có thể hình thành rôm sảy.

Đặc biệt là với trẻ sơ sinh khi làn da còn mỏng manh và rất nhạy cảm, nếu mẹ không chú ý tạo không gian thoáng mát và thường xuyên lau mồ hôi cho con trẻ cũng rất dễ bị rôm sảy… Đó là lí do khả năng thanh nhiệt của lá khế được áp dụng cho trẻ để thổi bay rôm sảy, mẩn ngứa.

Ngoài rôm sảy, lá khế còn có tác dụng đối với các bệnh nhẹ ngoài da như mề đay, dị ứng, viêm da cơ địa…

Trong dân gian có nhiều loại cây thảo mộc lành tính dịu nhẹ, không làm tổn thương đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ. Tuy nhiên lá khế lại là loại thảo dược dễ tìm và lành tính nhất, tắm lá khế cho trẻ sơ sinh lại vô cùng đơn giản. 

Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ có thể dùng lá khế tắm cho con để điều trị mẩn ngứa, rôm sảy, các bệnh nhẹ về da - Ảnh minh họa: Internet

Kinh nghiệm tắm lá khế cho trẻ sơ sinh hiệu quả và an toàn

Để có nước lá khế tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ chỉ cần thực hiện theo những bước sau đây:

Chọn lá khế: Đây là khâu quan trọng nhất, mẹ chỉ cần chọn một nắm lá khế còn xanh tươi, không bị úa, không quá non cũng không quá già. Mẹ lựa lá tránh lá bụi nhiều, không có trứng sâu, không chọn lá ở những cây phun thuốc.

Sơ chế: Tuốt sạch gân chính, mẹ chỉ giữ lại lá khế, sau đó ngâm với nước muối rồi rửa lại với vài lần nước cho thật sạch, để ráo.

Nấu nước lá khế: Chuẩn bị 1 nồi 2 lít nước, đem lá khế bỏ vào và đun sôi. Nước sôi được 5 phút thì tắt bếp rồi để nguội bớt. Mẹ đổ nước ra chậu đi qua một lớp vải màn lọc để giữ lại cặn lá.

Tắm cho bé: Mẹ nên tắm trước cho bé bằng nước sạch để loại bỏ bớt bụi bẩn, chất dơ trên người bé rồi sau đó đưa bé vào tắm nước lá khế trong thời gian 5 - 7 phút. Cuối cùng, mẹ tắm lại cho bé bằng nước ấm để trôi đi hết nước lá trên người rồi ủ ấm để trẻ không bị cảm lạnh.

Khâu chọn lá khế và sơ chế vô cùng quan trọng, nếu không cẩn thận có thể khiến da bé bị dị ứng nặng hơn - Ảnh minh họa: Internet

Khi tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá khế mẹ cần lưu ý nhiệt độ nước thích hợp sẽ vào khoảng 37,5 – 38 độ, mẹ không ngâm bé trong chậu nước quá lâu và một tuần tắm khoảng 3 lần khi trẻ bị mẩn ngứa, rôm sảy.

Mẹ cũng không được để nước lá qua đêm hay pha nước quá loãng vì như thế sẽ mất tác dụng. Không lạm dụng tắm quá nhiều vì nhựa trong lá khế có thể làm da bé xỉn màu.

Cũng có một cách khác mà mẹ có thể sử dụng để tắm cho bé nhanh chóng, giúp mẹ tiết kiệm nhiều thời gian hơn khi phải nấu nước rồi đợi nguội. Khi rửa sạch lá khế xong mẹ chỉ cần vò nát lá, ép lấy nước rồi hòa loãng trong nước ấm là có thể tắm cho bé. Tuy nhiên, cách này mẹ cần rửa lá khế thật sạch để đảm bảo không còn sâu ngứa.

Những lưu ý khi tắm lá khế cho trẻ sơ sinh

Cũng như cách sử dụng các loại lá cây tắm cho bé, cách tắm lá khế cho trẻ sơ sinh mẹ cũng cần lưu ý những vấn đề dưới đây để phát huy tác dụng của nó, cũng như hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn.

Nếu da bé hoàn toàn khoẻ mạnh, mẹ không cần phải tắm lá khế cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet
  • Lá khế cũng như các loại lá cây khác, có thể chứa bụi bẩn, trứng sâu, mảnh xác côn trùng, thuốc trừ sâu…Chính những thành phần này sẽ gây kích ứng da của bé hoặc gây nhiễm trùng. Vì vậy, khâu tìm lá và sơ chế trước khi sử dụng là vô cùng quan trọng.
  • Nếu da bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị rôm sảy, mẩn ngứa, mẹ không nên cho bé tắm lá khế.
  • Tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá khế khi trẻ bị rôm sảy hay mẩn ngứa rất tốt tuy nhiên việc gì cũng có mặt lợi và mặt hại. Nếu da của trẻ đang có vết thương hở như trầy xước, vết cắt, mụn lở,…thì việc tắm lá khế hay bất kỳ loại lá nào khác cũng có thể gây nhiễm trùng.
  • Không nên thêm muối vào nước lá khế khi đang đun sôi. Cách nấu nước này không khiến da bé sạch hơn mà còn có thể làm da bé có cảm giác nhớp dính. Mẹ chỉ nên sử dụng muối để rửa lá trước khi cho vào đun.
  • Để tránh trường hợp da bé bị dị ứng với lá khế, mẹ có thể thử bằng cách đun trước một cốc nước lá nhỏ rồi bôi lên 1 vùng nhỏ trên tay của bé để theo dõi xem da bé có phản ứng lạ không. Nếu không, mẹ mới bắt đầu cho bé tắm.
Nếu mẹ thấy tắm lá khế cho trẻ mà không cải thiện tình hình thì nên đưa trẻ đến các cơ sở da liễu để kiểm tra, thăm khám cho bé kịp thời - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài việc tìm kiếm các loại thảo dược để tắm cho bé điều trị rôm sảy, mẩn ngứa, cha mẹ cũng cần có biện pháp phòng tránh bệnh như:

  • Cha mẹ cần cho trẻ ở những nơi thoáng gió, tránh tụ tập ở nơi đông người trong thời tiết oi bức.
  • Giữ cơ thể trẻ luôn khô ráo, hạn chế tối đa tình trạng mồ hôi đọng trên da của trẻ quá lâu.
  • Nên mặc cho trẻ các loại quần áo làm từ vải cotton rộng thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Cần cho trẻ uống đủ nước và tăng cường các loại đồ uống, trái cây tươi giàu vitamin C để tăng sức đề kháng, chống lại các tác động xấu từ bên ngoài.
  • Không nên ủ trẻ quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo.
  • không cho trẻ cào hoặc làm xước các nốt rôm, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây bội nhiễm hoặc nặng hơn là biến chứng nhiễm trùng lan rộng.
Quan trọng nhất mẹ cần giữ cho da bé khô ráo, thoáng mát vào mùa hè để phòng ngừa rôm sảy, mẩn ngứa - Ảnh minh họa: Internet

Xét về bản chất, bệnh rôm sảy là bệnh do quá nóng mà ra, khi thời tiết mát mẻ bệnh sẽ tự hết. Tuy nhiên, bệnh sẽ không hết hoàn toàn mà những triệu chứng đó sẽ tái phát nếu như gặp thời tiết nóng bức, đặc biệt là vào mùa hè.

Tắm lá khế cho trẻ sơ sinh rất tiện lợi, hiệu quả nếu mẹ áp dụng đúng cách, đúng mức độ và cẩn thận trong từng khâu. Các mẹ cũng không nên quá lạm dụng phương pháp đông y dân gian này, nếu trẻ không có dấu hiệu phục hồi tốt, mẹ hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tin để được thăm khám và điều trị kịp thời, chính xác.