Ngày Tết mua được cây đào ưng ý mà đến nay lại bỏ đi thì quá phí phạm phải không ạ? Cùng nhau nghiên cứu những hướng dẫn cách trồng đào sau Tết để tự tay chăm chút cây đào đẹp ăn Tết năm sau nhé. 

Hướng dẫn cách trồng đào sau chơi Tết

Sau khi các gia đình đã chơi xong đào ngày Tết thì việc đầu tiên khi muốn trồng hoa đào sau Tết chính là lựa chọn vị trí trồng đào. 

Chọn vị trí trồng đào sau Tết

Đặc tính của cây đào cảnh là cây không chịu được úng nên phải chọn chỗ trồng đào là chỗ đất cao, thoát nước. Trước khi trồng thì nên cuốc đất cho tơi xốp, đồng thời cải tạo hoặc lựa chọn đất chỗ đó có độ pH từ 7-8 để cây có thể nhanh chóng sinh rễ mới. Nếu nhà không có đất trồng thì có thể trồng vào chậu. Lựa chọn chậu to hơn tán cây và có lỗ phía dưới để thoát nước. Hơn nữa, nếu trồng trong chậu thì đất trong chậu ngoài việc làm tơi thì nên trộn thêm ít phân vi sinh để nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cây hấp thụ.


Kỹ thuật trồng đào sau Tết. Ảnh: Internet

Nên tiến hành trồng lại đào sau Tết sớm, càng để lâu thì khả năng đào sống cao hơn. Khi trồng sang vị trí mới, chú ý tưới nước và theo dõi đều đặn đến khi cây ra lộc non mới thì là cây sẽ sống tiếp, hoàn thành bước đầu.

Một lưu ý là đào cảnh là loại cây không ưa bóng, nên các gia đình không nên để ở vị trí nhiều bóng râm, cây sẽ không phát triển được. 

Tiến hành cắt sửa cành đào sau Tết


Tỉa bớt cành đào để cây đào sau Tết phát triển thuận lợi nhất. Ảnh: Internet

Sau khi tiến hành trồng cây đào ở vị trí mới thì các gia đình nên tiến hành cắt tỉa bớt cành đào, vừa để cây không tốn thêm dưỡng chất nuôi cành, vừa là để sang năm cành mới ra nhiều hoa, nhiều lộc. Nếu không cắt tỉa thì sang năm hoa chỉ nở ở phần mới mọc thêm chứ không tập trung nhiều ở những cành cũ nữa. Sau khi cắt tỉa nhiều thật gọn cây xong thì mỗi tháng các gia đình cũng nên cắt tỉa ít nhất 1 lần, cắt đến tháng 6-7 âm lịch thì dừng lại không cắt nữa, vừa tỉa cành vừa kết hợp sửa luôn, tạo luôn hình dáng tán cây cho đào Tết trưng bày năm sau. 

Bón phân chăm sóc cây đào sau Tết 

Các gia đình chú ý bón phân vi sinh, phân hữu cơ cho cây sau mỗi lần tỉa cành hàng tháng, khi bón thì bón cách gốc cây tầm 30-50 cm, bón theo hình tán cây kèm tưới đủ nước đều đặn để cây sinh trưởng và phát triển tốt. 

Đến tháng 9 âm lịch thì các gia đình cần bón thúc, tăng cường bón phân nhiều hơn để cây ra cành, lộc và hoa đúng dịp Tết. 

Phòng trừ sâu bệnh khi trồng lại đào sau Tết

Theo mùa, cây đào cũng rất dễ bị các bệnh thường gặp như đốm lá, lở cổ rễ, bị rệp sáp, nhện đỏ khiến vàng lá, cây gầy héo. Tùy từng bệnh trạng mà các gia đình có thể mua thuốc đặc trị có bán tại các tiệm bán thuốc thực vật đầy đủ với các loại dòng thuốc mới và đặc trị nhất.

Tiến hành tuốt lá đào gần Tết 


Tuốt lá đào gần Tết để cây ra hoa đúng thời điểm. Ảnh: Internet

Với các gia đình trồng lại hoa đào từ năm trước thì đặc biệt phải lưu ý thời điểm tuốt lá cho cây đào vì sau khi cây đào được tuốt là thì sẽ nảy hoa và quả. Thế nên, muốn có hoa nở đẹp dịp Tết thì các gia đình có thể chủ động tuốt lá để hoa nở đúng đợt. Bình thường sẽ tiến hành vào cuối tháng 11, với các gốc già, cây yếu thì nên tuốt muộn hơn. 

Khi tuốt thì nên bứt từng lá chứ đừng làm một đường tỉa thẳng từ trên xuống sẽ làm hỏng mầm hoa mọc sau này nhé. 

Hy vọng những lời khuyên và hướng dẫn về cách trồng đào sau Tết trên đây có thể giúp ích được các gia đình, bổ sung những thông tin hữu ích để chăm sóc đào sau Tết được mạnh khỏe và phát triển tốt nhất, năm sau gia đình lại có cây đào đẹp chơi Tết xuất sắc.