Tầm quan trọng của rau củ quả đối với bé

Chế độ ăn uống của trẻ cũng giống như người lớn cần phải đáp ứng được 4 nhóm chất, bao gồm có: chất đạm, chất béo, đường, vitamin và các loại khoáng chất. Trong đó, rau củ quả là nhóm thực phẩm cung cấp chủ yếu vitamin và các khoáng chất quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

Những lợi ích tuyệt vời của rau củ quả đã được các nhà khoa học chứng minh và khuyên dùng bởi nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển cả về mặt thể lực cũng như trí lực của trẻ. 

Những lợi ích tuyệt vời của rau củ quả đã được các nhà khoa học chứng minh - Ảnh minh họa: Internet

Theo chứng minh của các chuyên gia dinh dưỡng, trong rau xanh chứa nhiều chất xơ giúp cho hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn và ngăn ngừa táo bón đồng thời còn giúp cho hệ tim của bé phát triển.

Ngoài ra, rau xanh còn giúp cho các bé ngăn ngừa tình trạng béo phì, cung cấp nước và các khoáng chất như vitamin A, vitamin C, kali… giúp xây dựng và phát triển tế bào mô cho bé.

Ăn rau củ quả thế nào cho hợp lý?

Rau là nhóm thực phẩm quan trọng, rau là nguồn dinh dưỡng cung cấp vitamin, chất xơ nhiều nhất cho bé trong mỗi khẩu phần ăn. Vì thế, sẽ rất tốt nếu con được ăn đều đặn một lượng rau thích hợp mỗi ngày.

Khẩu phần rau hàng ngày phù hợp cho bé:

  • Trẻ 2 – 3 tuổi ăn 1 chén/ ngày.
  • Trẻ 4 – 6 tuổi ăn 1.5 chén/ngày.
  • Trẻ 9 – 13 tuổi ăn 2 chén/ngày.

Càng lớn trẻ càng ăn nhiều rau hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Mẹ cũng cần chú ý là không nên ép con ăn lượng rau này trong duy nhất một bữa mà nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa bổ sung một ít.

Làm cách nào tập cho bé thích ăn rau từ sớm?

Mẹ nên sơ chế rau, củ bằng cách thái hạt lựu hoặc xay qua loa cho con, khi bé ăn bé có thể tập nhai và làm quen dần với từng loại rau, củ, con sẽ không sợ hay ghét ăn rau. Lúc con mới ăn dặm, sợ bé bị hóc mẹ có thể xay nhuyễn, nhưng khi bé lớn tầm 1 tuổi rồi, mẹ không nên xay nhuyễn mịn.

Mẹ không nên lọc lấy nước rau mà nên cho bé ăn cả phần rau để bé nạp đủ chất xơ cho cơ thể.

Mẹ có thể chọn những loại rau, củ mềm cho con: bí ngô, cà rốt... - Ảnh minh họa: Internet

Mẹ nên thay đổi rau, củ đa dạng hơn mỗi ngày cho con, tạo cho bé cảm giác mới mẻ. Như vậy bé sẽ thấy thích thú hơn, so với việc cứ ăn mãi một loại rau, củ thật nhàm chán.

Mẹ đừng mắng hay dọa nạt quá mức khi con không chịu ăn, hãy nhẹ nhàng, tạo niềm vui cho con thì con sẽ chịu khó nghe lời mẹ hơn, đây là cách tập cho bé ăn rau củ quả dễ dàng nhưng các mẹ phải thật kiên nhẫn.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên để ý xem con thích ăn rau gì, đừng chỉ ép con ăn rau theo ý mẹ, bé sẽ thích hơn khi mẹ quan tâm đến sở thích của bé.

Một số cách tập cho trẻ ăn rau củ quả

Người lớn làm gương cho bé

Thói quen của bé chính là “tấm gương” phản chiếu lối sống của cha mẹ. Bé sẽ không đồng ý ăn các loại rau quả nếu cha mẹ ghét rau và chỉ ăn đồ chứa nhiều đường và chất béo… 

Vì vậy, cha mẹ hãy hình thành thói quen ăn uống lành mạnh để trở thành một tấm gương sáng, giúp tập cho bé ăn rau củ quả thành một thói quen.

“Thiết kế” rau, củ thật bắt mắt

Trang trí món ăn bắt mắt cũng là một mẹo kích thích trẻ muốn nếm thử - Ảnh minh họa: Internet

Dùng các dụng cụ cắt hình hoa, ngôi sao, động vật… hoặc bất kỳ hình nào bé thích để tạo hình các loại củ (như cà rốt, củ cải trắng, su hào….) rồi đem nấu thành súp hoặc bất kỳ món nào bé mê…

Rủ bé cùng làm bếp

Những bé thường xuyên giúp cha mẹ việc bếp núc sẽ có thói quen ăn uống lành mạnh và tính tự lập cao hơn các bé khác. Do đó, hãy động viên bé giúp đỡ cha mẹ các việc nhỏ như: xếp cà chua bi vào đĩa, bày dưa chuột vào đĩa đựng salad, trộn đều rau… Bằng cách này, bé sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều với các loại rau quả và hào hứng ăn chính “thành quả” của mình.

Để bé nhìn thấy bạn bè ăn rau ngon lành

Nên cho bé cùng đi với bạn đồng trang lứa và có khả năng ăn tốt, ăn giỏi. Khi đến giờ ăn thì cả mẹ và bé đều ăn cùng. Chú ý là các mẹ nên làm cơm hộp cho bé đủ màu sắc và hình dáng, mục đích là để hấp dẫn thị giác của bé trước. Khi ăn cùng với bạn, nếu bé thấy bạn ăn giỏi và ăn tất cả mọi thứ, kể cả loại bé không thích thì bé cũng sẽ bắt chước bạn. 

Cho bé ăn món bé thích đầu tiên trong bữa ăn

Cho bé ăn những thứ bé yêu thích trong những thìa đầu tiên - Ảnh minh họa: Internet

Mẹo ở đây chính là cha mẹ phải cùng ăn với con và luôn miệng nói “ôi ngon quá” để kích thích tính tò mò của bé. Sau đó có thể đem món bé không thích ra. Lúc đầu bé sẽ có thể không ăn, nhưng sau đó vì tò mò, hoặc lần 2, 3… bé sẽ “thử” múc món ăn mình không thích và trộn chung với món ăn mình thích để ăn thử. Lúc này mẹ có thể đem món bé “cực thích” ra xem như phần thưởng dành cho bé.

Cách tập cho bé ăn rau củ quả từ trong bụng mẹ

Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Mỹ cho thấy trẻ có thể hình thành thói quen ăn rau từ lúc trong bào thai. Thai nhi có thể cảm nhận được mùi vị của thức ăn qua dịch ối và hình thành thói quen thích ăn rau khi lớn lên.

Để có kết quả trên, những nhà nghiên cứu chia các bà mẹ thành ba nhóm. Nhóm 1 uống nước ép cà rốt hàng ngày trong thai kỳ. Nhóm 2 uống nước ép cà rốt trong thời kỳ cho con bú và nhóm thứ ba là không uống nước ép cà rốt.

Khi con của những phụ nữ trên bắt đầu ăn dặm, các bà mẹ cho trẻ ăn bột hòa với nước thường hoặc nước ép cà rốt. Kết quả, con của những bà mẹ ở nhóm một và hai ăn nhiều bột hòa nước cà rốt hơn nhóm còn lại.

Do đó, khi mang thai, bà bầu nên ăn nhiều loại rau để tạo cho con quen với mùi vị các loại thức ăn từ trong bụng mẹ.

Một số sai lầm khi tập cho bé ăn rau củ quả ảnh hưởng đến sức khỏe

Thường xuyên ăn salad và rau sống

Salad là món rau không được nấu ở nhiệt độ cao, nếu dư lượng thuốc trừ sâu cao quá mức sẽ vô cùng nguy hại cho cơ thể của bé. Do đó khi ăn salad hay rau sống tốt nhất hãy chọn những loại rau xanh không bị ô nhiễm hoặc rau hữu cơ, đồng thời lưu ý không nên ăn nhiều.

Ăn cà chua trước bữa ăn

Cà chua nên ăn sau bữa ăn. Như vậy, có thể khiến axit dạ dày kết hợp với thực phẩm làm giảm nồng độ axit, tránh để áp lực dạ dày tăng cao dẫn tới sự giãn nở dạ dày, dễ gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó chịu ở dạ dày…

Ăn nhiều giá đỗ sống

Giá đỗ có vị ngon, bổ dưỡng, giàu dinh dưỡng, nhưng khi ăn nhất định phải nấu chín. Nếu ăn sống không nên ăn quá nhiều. Ăn nhiều giá đỗ sống dễ làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt…

Nấu rau quá kỹ

Khi chế biến những loại rau lá xanh không nên nấu quá lâu - Ảnh minh họa: Internet

Khi chế biến những loại rau lá xanh không nên nấu quá lâu. Nếu không, nitrate sẽ chuyển biến thành nitrit, dễ làm cho ngộ độc thực phẩm cho trẻ em. Đặc biệt, các loại rau đông lạnh càng không nên nấu quá lâu, nếu không sẽ làm mất đi khá nhiều dinh dưỡng.

Sử dụng các loại củ thay cho rau lá

Bé nhà bạn không thích ăn những loại rau có lá, vì thế bạn sử dụng các loại củ để thay thế. Tuy nhiên, thực tế thì so với các loại rau lá thì lượng vitamin C mà củ mang lại sẽ không thể nhiều bằng. Rau lá giúp bé bổ sung lượng muối vô cơ rất tốt cho cơ thể.

Các bà mẹ nên thường xuyên đưa rau xanh vào bữa ăn của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Hãy nghĩ ra nhiều phương pháp sáng tạo hơn để trẻ có thể ăn được các loại rau có lá, mẹ đừng chiều theo sở thích của con mà vô tình đánh mất đi cơ hội cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho bé.

Qua bài viết trên, các bà mẹ có thể thấy tầm quan trọng của rau củ quả. Vì vậy các bà mẹ nên thường xuyên đưa rau xanh vào bữa ăn của trẻ, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức để có thể tập cho bé ăn rau củ quả đúng cách, mang lại hiệu quả tuyệt đối.