Hướng dẫn cách sổ giun cho trẻ theo độ tuổi
Trẻ em rất dễ nhiễm giun
Theo Điều tra của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng tại các tỉnh thành, tỉ lệ nhiễm giun vẫn ở mức cao.
Tỉ lệ nhiễm giun ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc khoảng 65%, Đồng bằng sông Hồng 41%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%, Đông Nam Bộ khoảng 13% và Đồng bằng sông Cửu Long là 10%.
Đối tượng dễ nhiễm giun nhất là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non. Đặc biệt trẻ em từ 12 - 24 tháng tuổi có tỉ lệ nhiễm giun cao tại các tỉnh như: Quảng Trị 27% - 47.5%, Điện Biên 33.2%, Kon Tum 22.6%, Lai Châu 23.5% và Yên Bái 19.2%.
Vì sao trẻ bị nhiễm giun?
Các loại giun đường ruột chủ yếu gồm giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura), giun móc/mỏ (Ancylostoma duodenale, Necator americanus). Đây là các loại giun rất phổ biến ở Việt Nam.
Các triệu chứng nhiễm giun: Gầy yếu, da xanh, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng, chậm lớn…
Trẻ em rất dễ bị nhiễm giun. Ước tính, hơn 40% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun (chủ yếu là giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc). Trẻ nhỏ rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất. Tất cả những điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Mối nguy hại khi trẻ bị nhiễm giun
Khi đã vào được cơ thể trẻ, giun sẽ tranh giành chất dinh dưỡng của trẻ, lâu dần làm trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.
Một số loại giun có thể gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong vài tình huống nguy hiểm hơn, giun có thể gây biến chứng như: Giun chui ống mật, giun chui ống tụy, tắc ruột, viêm nhiễm tiết niệu – sinh dục, giun chui vào ruột thừa gây viêm, thậm chí có thể tử vong.
Vì vậy, nắm được cách sổ giun cho trẻ theo độ tuổi là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Cách sổ giun cho trẻ theo độ tuổi
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc tẩy giun để lựa chọn sử dụng cho trẻ em. Trong đó, một số thuốc được sản xuất với tiêu chí giúp trẻ dễ uống, có vị ngọt và thơm, sử dụng để tẩy giun định kỳ cho trẻ.
Chỉ định của thuốc tẩy giun nói chung là lứa tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên. Việc tẩy giun định kỳ mỗi 4 - 6 tháng là rất cần thiết để ngừa bệnh. Thuốc tẩy giun phổ biến phù hợp cho trẻ là:
- Mebendazole tiêu diệt giun bằng cách gây thoái hóa cấu trúc ruột giun, làm rối loạn chức năng tiêu hóa của giun. Thuốc có dạng viên hàm lượng 500mg, các bà mẹ chỉ cần cho bé uống một liều duy nhất. Đối với loại hàm lượng 100mg mỗi viên, mẹ cho uống 2 viên mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối, uống trong 3 ngày liên tiếp.
- Albendazole có tác dụng diệt trứng, ấu trùng và giun trưởng thành bằng cách làm giun mất năng lượng, bị bất động và tiêu diệt từ từ. Sau đó, xác giun sẽ được thải ra ngoài qua nhu động ruột. Thuốc có dạng viên nén 200mg và 400mg. Khi dùng loại này, mẹ sẽ cho uống một lần duy nhất 1 viên 400 mg. Đối với viên có hàm lượng 200mg, mẹ cho uống 1 viên hoặc 2 viên cùng lúc tùy theo độ tuổi.
- Pyrantel: Thuốc làm tê liệt thần kinh các loại giun, giun sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Thuốc được trình bày dưới dạng viên nén 125mg và 250mg, liều dùng là 10mg cho mỗi kilogram cân nặng của trẻ, uống 1 liều duy nhất.
Cách sổ giun cho trẻ theo độ tuổi: Trẻ em từ 12 đến dưới 24 tháng tuổi uống Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất. Trẻ nhỏ phải nghiền thuốc pha với nước uống hoặc hướng dẫn trẻ nhai thuốc tẩy giun và uống với nước.
Một số lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun
Tẩy giun định kỳ chỉ nên bắt đầu thực hiện khi trẻ được 1 tuổi trở lên. Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói, ăn kiêng hoặc dùng thuốc xổ.
Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc là: Trẻ đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
Tình trạng nhiễm giun sán hiện nay ở nước ta đang cao ở mức đáng báo động. Do đó, các bậc phụ huynh cần có các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả cũng như nắm được cách sổ giun cho trẻ theo độ tuổi.
Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...