Ngày 30-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh năm 2018. Theo đó, kết quả khảo sát trên 7.500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 60 bệnh viện trong năm 2018 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 80,8%. Con số này là con số nào, ảo hay thật?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và thị sát công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện Quận Thủ Đức TPHCM, một trong những cơ sở y tế có chỉ số hài lòng cao ở TPHCM

Trước hết, phải thừa nhận, thời gian qua, ngành y tế nói chung và các cơ sở y tế nói riêng đã có những bước tiến, nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như các dịch vụ chăm sóc người bệnh tốt hơn. Cụ thể như, rút ngắn thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh, xây dựng cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tổ chức nhân viên hướng dẫn, phòng công tác xã hội, đơn vị chăm sóc khách hàng...

Điều này giúp cho người bệnh hài lòng tăng lên so với thời kỳ trước đây, đó là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, con số trên có phản ánh đúng thực tế hay không? Bởi, trong khi ngành y tế đang "tự sướng" với kết quả khảo sát thì trong dư luận cũng có không ít người dân lại bức xúc, nghi ngờ kết quả này là... chưa phản ánh đúng thực tế.

Theo tìm hiểu của pv Phụ nữ Sức khỏe, trước hết thì đây là một khảo sát... đáng tin cậy. Trước tiên, khảo sát chỉ số Hài lòng người bệnh (Patient Satisfaction Index - viết tắt PSI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Bộ Y tế và các chuyên gia của mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana, Hoa Kỳ trong khuôn khổ Dự án “Equitable Healthcare through PSI” do Oxfam Việt Nam, Đại sứ quán Bỉ và Đại sứ quán Hà Lan tài trợ. Khảo sát được thực hiện dựa trên phỏng vấn qua điện thoại ý kiến đánh giá của người bệnh nội trú đã xuất viện về trải nghiệm ở nhiều khía cạnh then chốt khác nhau trong quá trình khám, chữa bệnh.

Ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh 

Vì vậy, các con số thống kê đưa ra, tuy không thể khiến tất cả chúng ta "hài lòng" nhưng nó lại đáng tin cậy, khách quan. Nhưng con số này chỉ đúng với phạm vi, nội dung của khảo sát này.

Điều đáng tiếc là có vẻ phạm vi đối tượng khảo sát còn chưa sát sườn với thực trạng ngành y. Nội dung khảo sát là thế nào? Đối tượng tham gia là ai, phạm vi khảo sát ra sao? Tỷ lệ bệnh nhân diện BHYT và dịch vụ ra sao...? Bởi không ít người cho rằng kết quả khảo sát có vẻ xa vời so với thực tế mà họ nếm trải.

Và để minh chứng cho điều này, chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ cụ thể, theo thống kê sơ bộ tại các bệnh viện lớn tại TPHCM, Hà Nội (cả công lẫn tư) số lượng bệnh nhân vượt tuyến đổ về khám chữa bệnh lên tới 30, 40 thậm chí là 50%. Có những bệnh nhân phải bỏ dở công việc, vượt 500 - 600 km bằng xe khách để đi khám bệnh thì thử hỏi họ có thực sự hài lòng với cơ sở y tế địa phương hay họ hài lòng với nơi họ phải tốn công, tốn của?

Theo thống kê những bệnh viện lớn ở TPHCM hay Hà Nội, mỗi ngày khám từ 5000- 8000 lượt bệnh nhân. Luôn luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân đối tượng BHYT thậm chí là dịch vụ vẫn phải nằm ghép. Theo thống kê của một số bệnh viện tại TPHCM những lúc xảy ra dịch bệnh thì bệnh nhân một số khoa phòng tăng tới hơn 300%. Bệnh nhân phải nằm ghép, nằm hành lang... là chuyện thường ngày.

Chúng tôi chọn Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đơn vị có kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2018 của Bộ Y tế - đạt 4.41 điểm, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú và ngoại trú đều đạt trên 90%, xếp vị trí quán quân trong bảng xếp hạng của cả nước. Thì ngay vào tháng 8/2018, trong quá trình thị sát công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện này chính Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ngẫu nhiên phỏng vấn một số trường hợp bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì được biết, tới khám từ 3 giờ sáng nhưng đến 0 giờ vẫn... chưa khám xong. Báo cáo với Bộ trưởng, Ông Trương Quang Bình - Phó giám đốc bệnh viện cho biết, "ngay cả khu vực phòng mổ, người bệnh sau khi mổ xong ra khu hồi sức cũng phải chờ có người xuất viện mới được nhập. Công suất sử dụng giường bệnh là 104%, tức là người bệnh này chuẩn bị xuất viện thì đã có bệnh nhân khác thế vào. Mỗi ngày, khoa cấp cứu phải chuyển viện từ 15 đến 20 trường hợp với lý do Bệnh viện Đại học Y Dược… hết giường."

Ngành y tế đã và đang hướng tới sự thân thiện của nhân viên y tế, bệnh nhân làm trung tâm... 

Chưa kể, điểm đáng lưu ý là trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, chiếm 21,7% số bệnh viện được khảo sát; 26 bệnh viện người bệnh hài lòng và được xếp hạng tốt, chiếm 43,3%; 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%. Vậy thì nơi khảo sát là những bệnh viện đều có mức khá trở lên chưa có bệnh viện nào ở mức trung bình, hay yếu.

Như vậy, tỷ lệ 80,8% bệnh nhân và thân nhân hài lòng là con số tham chiếu trên hơn 7500 bệnh nhân. Điều đáng lưu ý là, nếu tham chiếu vào dân số hoặc số lượt khám chữa bệnh trong năm 2018 (ước tính cả trăm triệu lượt) thì số người tham gia khảo sát trên còn quá khiêm tốn.

Dù sao cũng hoan nghênh ngành y đã cầu thị với việc tiến hành khảo sát nghiên cứu. Đồng thời cũng rất vui khi kết quả khảo sát cho thấy có những cải thiện, những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, người làm ngành y cũng quan niệm, có bắt đúng bệnh, thì trị mới hiệu quả. Vậy nên, vui thì vui, nhưng vui thôi đừng vui quá!