Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên câu chuyện của nữ sinh lớp 7 trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lại thư tuyệt mệnh rồi tử tự trong lớp học. Trong thư, nữ sinh này xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô nên quyết định quyên sinh.

Lý giải về tỷ lệ học sinh tìm đến cái chết ngày càng tăng, thạc sĩ Nguyễn Thị Loan – nguyên phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết: “Một thực tế đang diễn ra nhất là ở các thành phố lớn là các con thường bị cha mẹ bị ép học tập, bị định hướng nghề nghiệp không theo ước mơ của chúng mà theo ước mơ của bố mẹ.

Một điều rất vô lý là những gì bố mẹ chưa thực hiện được thời trẻ, bố mẹ lại áp đặt và bắt các con thực hiện thay mình mà quên rằng đứa trẻ có quyền được sống với ước mơ của bản thân chúng.

Ảnh minh họa: Internet

Và điều tất lẽ dĩ ngẫu là khi chịu áp lực học tập đến từ phía bố mẹ, nhà trường trong một thời gian dài, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết là điều có thể lý giải được. Đó chính là chết trong kỳ vọng của bố mẹ

Tôi cho rằng, để giảm tình trạng học sinh trầm cảm, tự vẫn, quan trọng là cha mẹ cần thay đổi, không gây sức ép lên việc học tập và chúng được sống, tận hưởng tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp chứ không phải bị ám ảnh về chuyện học tập.

Chắc hẳn, trên đường phố chúng ta thường xuyên bắt gặp cảnh những đứa trẻ vừa tan trường nhưng vội vàng cắn miếng xúc xích hay nhanh chóng ăn cái bánh mì mà bố mẹ mua vội bên lề đường để đi học them ca 2 tại các lò dạy thêm. Tôi chắc chắn rằng, không một đứa trẻ nào muốn có tuổi thơ là chuỗi ngày vội vàng đi học như thế cả. Chúng đang sống thay ước mơ của cha mẹ”.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều trẻ phải đối mặt với nhịp độ học căng thẳng, chạy đua với thời gian mỗi ngày, từ học ở trường, học thêm, học ở nhà. Bản thân các em luôn phải “căng mình” để có thể đáp ứng với nhịp độ ấy. Thêm nữa, độ tuổi này bắt đầu bị phân tâm với nhiều vấn đề xung quanh như: thay đổi tâm sinh lý, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình…. Trong khi, tâm lý chung của cha mẹ luôn mong muốn con cái tập trung và có thành tích tốt trong học tập.

Sự “lệch pha” trong tâm lý, lứa tuổi và mối quan tâm dẫn tới việc không thấu hiểu nhau, dẫn tới việc đôi lúc cha mẹ có động thái áp đặt, so sánh hay chì chiết khi con không được như mong đợi. Và kết quả là nhiều trẻ bị trầm cảm, thậm chí chọn tự tử.

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục) cho hay: “Trong nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi về lo âu học đường thì có đến 80% học sinh đều có lo lắng liên quan đến trường học: Lo lắng về mối quan hệ cha mẹ, về kỳ vọng của bố mẹ, gặp khó khăn trong áp lực về bạn bè cùng trang lứa như bị bắt nạt, định hướng nghề nghiệp, lo lắng trong quan hệ với thầy cô, bị ám ảnh vì thầy cô không công bằng với họ, bị trù úm…

Stress với hoạt động học tập liên tục và không cân bằng được với những hoạt động yêu thích của bản thân, có những người cảm thấy mình không giỏi vấn đề gì nên luôn sợ hãi. Đến 80% các bạn học sinh nói là tôi không biết mình thích gì và nên chọn nghề gì…Nó là áp lực tạo nên  lo âu về học đường thông qua nghiên cứu của chúng tôi từ năm 2016.

Những con số báo động ở trên, suy cho cùng cũng xuất phát từ kỳ vọng quá lớn và sự không thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Theo các chuyên gia, dù không dễ dàng nhưng để có thể phá vỡ được “bức tường thành” vô hình kia, cha mẹ nên chủ động tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và luôn đặt mình vào con cái để hiểu suy nghĩ của chúng cũng như đưa ra những định hướng cho con.

Nhiều cha mẹ không hiểu được rằng, đôi khi chỉ là vài lời so sánh, là ánh mắt thất vọng hay một tiếng thở dài cũng có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề mà cố gắng quá sức hoặc ngày càng trở nên tự ti, khép kín. Nguy hiểm ở chỗ, nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dễ gặp phải những vấn đề tâm lý và có những hành xử tiêu cực.

Thay vì đứng ngoài và kỳ vọng, cha mẹ hãy đồng hành cùng con không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đồng hành cả trong học tập.

Quan trọng nhất là việc phá bỏ được những quan niệm về thành tích, về cách giáo dục áp đặt, khắt khe tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là việc không thể ngày một ngày hai có thể thay đổi. Cản trở lớn nhất là liệu cha mẹ có thật sự dành thời gian và mong muốn làm bạn của con ở bất kỳ lĩnh vực nào hay không?

Tuy nhiên, chỉ cần các bậc cha mẹ nỗ lực, nhìn nhận rõ những nguy cơ của việc hình thành khoảng cách này cùng với tình yêu vô hạn mà cha mẹ nào cũng có thì vấn đề này sẽ không còn là nan giải nữa.