Nội dung bài viết:
Nguồn gốc của phương pháp reggio emilia là gì?
Reggio Emilia là phương pháp giáo dục được nhà tâm lý học người Italy, Loris Malaguzzi (1920-1994) phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20 (sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa kết thúc). Tên của phương pháp được đặt theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía bắc Italy.
Trường mầm non đầu tiên tại đây được thành lập năm 1945, vào cuối chiến tranh thế giới thứ 2. Khu vực này của Ý đã bị tàn phá bởi chiến tranh và rất nhiều người trẻ tuổi đã thiệt mạng.
Dân làng phải bắt đầu xây dựng lại cuộc sống của mình và họ đã quyết định sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng một trường mầm non. Họ nhìn nhận điều này như một cách để con cái có một tương lai tốt hơn thông qua việc xây dựng một mô hình trường học kiểu mới – nơi trẻ em sẽ được tôn trọng và tin tưởng.
Năm 1991, tạp chí Mỹ Newsweek đã công nhận trường mầm non nói trên là 1 trong 10 trường học tốt nhất trên thế giới. Điều này dẫn đến rất nhiều phụ huynh quan tâm đến khái niệm phương pháp Reggio Emilia từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1994, tổ chức Trẻ em Reggio được thành lập để quản lý sự ảnh hưởng này và tổ chức các khóa tham quan học tập quốc tế.
Đặc điểm của phương pháp Reggio Emilia
Cách thức mà phương pháp Reggio Emilia phát triển bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các khu vực xung quanh. Trong cuộc sống hàng ngày, người dân ở Reggio Emilia yêu thích gặp gỡ người khác, tham gia vào các cuộc thảo luận và cùng chia sẻ quan điểm. Sự thay đổi không được coi là điều đáng sợ hãi. Người lớn và trẻ em được khuyến khích công khai những ý tưởng mới và sẵn lòng thử nhiều cách khác nhau để thực hiện điều đó.
Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng: “Trong mỗi đứa trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ”.
Theo phương pháp giáo dục Reggio Emilia, mỗi cá nhân đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua tương tác với môi trường và xã hội. Trẻ em cũng vậy, trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho những cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên.
Những lợi ích của phương pháp giáo dục Reggio Emilia
Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia là một cách tiếp cận sáng tạo và truyền cảm hứng cho giáo dục mầm non. Phương pháp này hỗ trợ việc học của trẻ có chiều sâu hơn về nhận thức thế giới xung quanh. Điều này vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ.
Tất cả các cha mẹ và giáo viên đều đồng ý rằng: chẳng bao giờ là quá sớm khi truyền cho trẻ một tinh thần ham hiểu biết và những công cụ giúp trẻ khám phá thế giới.
1. Trẻ tích cực trong học tập
Với phương pháp Reggio Emilia:
Trẻ được đặt câu hỏi của riêng mình.
Trẻ được tự đặt ra những giả thuyết riêng.
Trẻ được trải nghiệm giả thuyết chúng đặt ra.
Trẻ được kích thích so sánh với nguồn tài liệu để tự rút ra một quan điểm mới.
Mọi con người và đối tượng đều là đối tác trong quá trình học tập và trẻ được chia sẻ những gì chúng khám phá để phát triển kỹ năng làm việc nhóm.
2. Trẻ có quyền tự quyết trong việc mình muốn học gì
Reggio lấy người học làm trung tâm, trẻ em hứng thú với cái gì sẽ được tạo điều kiện để đào sâu vấn đề đó. Môi trường giáo dục Reggio Emilia hỗ trợ việc theo đuổi sở thích của trẻ nhưng không phải muốn gì cũng được.
Ví dụ như trẻ thích trồng cây, cô giáo sẽ hướng dẫn trẻ về các loại cây, về cách trồng trọt, tạo điều kiện để trẻ có thể trồng những cây nhỏ. Trong khi trẻ đang say sưa tìm hiểu, cô giáo đưa thêm cơ hội để trẻ học thêm về cách sử dụng các dụng cụ trồng cây, chế tạo dụng cụ bằng đồ tái chế, kiến thức về bảo vệ môi trường.
3. Trẻ em có thể giao tiếp bằng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau
Reggio giúp trẻ nói lên được ngôn ngữ riêng, hiện thực hóa suy nghĩ của chúng bằng nhiều cách, không chỉ bằng ngôn ngữ. Khía cạnh nổi bật nhất trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia chính là niềm tin rằng trẻ thể hiện sự hiểu biết và diễn tả suy nghĩ cũng như sáng tạo của mình bằng rất nhiều cách khác nhau.
Có hàng trăm cách suy nghĩ, khám phá và học tập. Thông qua các bức vẽ, điêu khắc, hay các hoạt động nhảy múa, vận động, thông qua mỹ thuật, đóng kịch cũng như các mô hình và âm nhạc, mỗi một cách trong “hàng trăm ngôn ngữ” này đều phải được coi trọng cũng như giáo dục.
Tất cả những điều này là một phần của trẻ, học và chơi không thể tách rời. Phương pháp Reggio Emilia nhấn mạnh phát kiến thực tiễn trong việc học tập bằng cách cho phép trẻ sử dụng tất cả các giác quan và ngôn ngữ của mình để học.
4. Môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc học của trẻ
Môi trường là người thầy thứ ba, là nơi cung cấp cho trẻ những công cụ để hiện thực hóa ý tưởng của trẻ.
Hầu hết các trường học Reggio Emilia lý tưởng đều có một “xưởng” với các vật liệu như đất sét, sơn và các nguyên vật liệu thiên nhiên, các tác phẩm sáng tạo của trẻ. Trẻ em sử dụng các vật liệu trong “xưởng” để thể hiện suy nghĩ và hiểu biết của trẻ về những gì trẻ suy nghĩ hay đã học được.
Vai trò của người lớn là quan sát trẻ, lắng nghe những câu hỏi và những câu chuyện của trẻ, tìm hiểu những điều mà trẻ quan tâm, từ đó mang đến cho trẻ cơ hội được tìm hiểu và khám phá những điều chúng quan tâm.
Lưu ý khi dạy trẻ bằng phương pháp Reggio Emilia
Không phê phán, chê bai hay trách móc con dù bất kỳ tình huống
Không dạy trẻ những từ ngữ tiêu cực
Không so sánh với các trẻ khác về khả năng
Không trừng phạt nghiêm khắc
Không kỳ vọng bất kỳ khả năng nào của con.
So sánh phương pháp Montessori và Reggio Emilia
Bài học theo triết lý của Montessori và Reggio Emilia đều hướng tới việc chuẩn bị cho trẻ trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có cách tiếp cận riêng.
Với phương pháp Reggio Emilia, trẻ được học theo nhóm, phát triển bản thân thông qua thực hành. Mô hình này không chỉ chuẩn bị sớm cho trẻ các kỹ năng cộng đồng như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình mà còn mang đến một xã hội thu nhỏ. Nơi ấy, mỗi bạn nhỏ được làm công việc mà mình giỏi nhất, đồng thời đóng góp cho thành công chung của dự án.
Ngược lại, phương pháp Montessori khuyến khích bé phát triển độc lập. Lớp học Montessori không có các hoạt động nhóm mà chỉ có những tương tác cá nhân của bé với học liệu và với thầy cô.
Nhằm phát triển các kỹ năng khác biệt của trẻ, phương pháp Reggio Emilia mang tới một thế giới học liệu với các vật liệu từ thiên nhiên, vật liệu tái chế và mở rộng “không gian sáng tạo” tới mức tối đa.
Phương pháp Montessori sử dụng các giáo cụ được thiết kế bài bản từ đầu, giống với cách xây dựng giáo cụ của các phương pháp giáo dục truyền thống. Các mô hình có sẵn và riêng biệt được cung cấp dựa trên độ tuổi của trẻ, nhằm đảm bảo trẻ được giáo dục đồng nhất.
Với phương pháp Reggio Emilia, trẻ được tôn trọng mọi quyết định của mình, sự sáng tạo của trẻ là nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả các đề tài học. Các đề tài có thể kéo dài từ một ngày, đến vài tuần, vài tháng và có thể dẫn con đi qua một hành trình học đầy bất ngờ khác biệt.