Khi những chiếc răng xinh xắn bắt đầu nhú lên là lúc mẹ phải để ý hơn nữa đến việc chăm sóc răng miệng cho con. Làm thế nào để con có một bộ răng sữa trắng tinh là một vấn đề được nhiều mẹ quan tâm. Hãy học cách tập cho trẻ đánh răng từ kinh nghiệm chị Trang dạy bé Chu Quân (tên ở nhà là Đậu Đậu).

Khi nói về việc cho bé tập đánh răng, chị Trang chia sẻ: "Đa số mọi người xem thường việc chăm sóc răng miệng ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh với suy nghĩ rằng đó chỉ là răng sữa thôi nên không sợ sâu vì sau này sẽ thay răng khác.

Nghiên cứu nhiều cách tập đánh răng cho trẻ, chị Trang đã áp dụng thành công với bé Đậu  - Ảnh: NVCC

Nhưng các mẹ cần biết rằng răng sữa đẹp và khoẻ mạnh góp một phần rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển răng vĩnh viễn của bé sau này. Bên cạnh đó, một hàm răng không sâu không đau cũng hỗ trợ bé tốt hơn trong việc ăn uống, đặc biệt là vấn đề nhai".

Sau đây mẹ Đậu sẽ chia sẻ chút kinh nghiệm chọn bàn chải cũng như quá trình luyện đánh răng cho Đậu để các mẹ cùng tham khảo:

Cách tập cho trẻ đánh răng của mẹ con bạn Đậu

1. Từ 0 - 7 tháng: Bạn Đậu chưa có cái răng nào

Mình dùng gạc rơ lưỡi và lợi. Có lẽ đây là dụng cụ chuyên dụng vệ sinh răng miệng giai đoạn đầu đời cho bé mà ai cũng biết.

Thường thì mình chỉ rơ với nước ấm. Khi Đậu bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 5 thì mình rơ cùng với nước muối loãng ngày 2 lần sáng và tối.

Khi rơ thì rơ cả lưỡi và lợi.

"Những người bạn" của Đậu trong suốt quá trình chăm sóc răng miệng - Ảnh NVCC

2. Từ 7 - 11 tháng: Giai đoạn Đậu mọc được 4 cái răng cửa

Có răng rồi thì việc dùng gạc rơ là không ăn thua nữa. Vậy nên mình bắt đầu nghĩ đến việc chuyển sang bàn chải. Tuy nhiên giai đoạn này Đậu vẫn chưa đi được và tay vẫn chưa linh hoạt nên nếu tập cho Đậu tự đánh thì hiệu quả gần như là 0. Lúc này các mẹ có thể giúp bé đánh răng.

Giai đoạn này mình vẫn dùng nước muối loãng để vệ sinh. Và mỗi lần bắt đầu chải răng hãy giới thiệu mẹ sắp làm gì và tác dụng là gì.

3. Từ 11-14 tháng: Đậu thêm được 4 cái răng nữa, tổng cộng là 8 cái

Giai đoạn này Đậu đã đứng và đi được chập chững, khả năng quan sát và bắt chước của anh khá tốt, mẹ quyết định bàn giao nhiệm vụ đánh răng lại cho con.

Chọn bàn chải thế nào đây, kinh nghiệm của mình là các mẹ nên chọn bàn chải ngắn vừa với bàn tay nắm của trẻ, có miếng tròn ngăn để bé không chọc bàn chải vào quá sâu cũng như hạn chế rủi ro nếu chẳng may bé cầm bàn chải chạy lon ton vấp ngã.

Con học cách tập đánh răng - Ảnh: NVCC

Bắt đầu từ đây, cho Đậu làm quen với kem đánh răng, mình chọn loại nuốt được. Tuy nhiên mình cũng rất hạn chế cho Đậu dùng, vẫn dùng xen kẽ với nước muối loãng. 

Lúc mới tập Đậu xem bàn chải như đồ chơi, vẫn cho vào miệng nhưng chủ yếu là ngậm mút hoặc cắn. Nhưng mẹ vẫn cứ hãy kiên trì, vừa đánh răng cùng Đậu vừa cho Đậu xem cách đánh và mình đánh xong thì Đậu cũng phải đánh xong. Bước súc miệng sau đánh răng vẫn cho Đậu nước súc nhưng thời gian đầu con chỉ nuốt vào.

4. Từ 14 tháng đến nay (16 tháng 20 ngày): Đậu được thêm 2 răng hàm nữa

Khi Đậu dùng bàn chải silicone kia thành thạo rồi, mẹ chuyển sang bàn chải lông để dễ dàng làm sạch răng của bé hơn. 

Bắt đầu từ đây, mẹ có thể chọn bàn chải thoải mái hơn rồi. Nhưng mẹ nhớ là đừng chọn loại cán dài quá. Mẹ vẫn duy trì cho con đánh răng với nước muối loãng và kem đánh răng xen kẽ.

Con rất tự giác trong việc đánh răng - Ảnh: NVCC

Quan trọng hơn cả việc tập kỹ năng đánh răng cho bé chính là tập thói quen đánh răng. Muốn con có thói quen tốt, mẹ cần thiết lập giờ giấc cố định cho việc đánh răng cũng như nơi đánh răng cố định, đã tập thì hãy tập tới cùng, đừng để bé chạy lung tung khắp nơi với cái bàn chải.

Mình tập cho Đậu cũng phải mất 3 tháng mới đánh thành thục và tạo được thói quen cho con. Giờ cứ 5 giờ 30 sáng và 8 giờ tối sau khi uống cữ sữa cuối cùng là Đậu sẽ chủ động "răng răng" và chạy vào nhà vệ sinh.

Hi vọng các bậc cha mẹ đều biết có thể áp dụng cách tập đánh răng cho trẻ phù hợp nhất để bé nào cũng có hàm răng đẹp và nụ cười thật xinh.