Bác sĩ "phát khóc" khi đọc kết quả xét nghiệm

Nhiều lần lên tiếng “tuyên chiến” với những người tuyên truyền chữa ung thư bằng ăn thực dưỡng trên mạng bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai không khỏi trăn trở khi hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân cấp cứu sau khi ăn thực dưỡng chữa bệnh.

Trường hợp mới đây nhất bác sĩ Hùng tiếp nhận là một người phụ nữ bị bệnh ung thư vú. Chị phát hiện khối u vú khi nó còn nhỏ.

Cơ hội điều trị là rất lớn. Thế nhưng vì nghe theo lời đồn ăn thực dưỡng bằng gạo lứt, muối mè rồi đắp thuốc để hút tế bào độc bằng khoai sọ với lời đảm bảo “khỏi 100%”, người bệnh này đã phải trả giá.

Hoại tử vú vì đắp thuốc thải độc theo lời đồn. Ảnh: BSCC

Vài tháng sau, chị nhập viện trong tình trạng khối u hoại tử, hạch di căn xuất hiện. Lúc này, bác sĩ cũng “phát khóc”, muốn điều trị cho bệnh nhân khó đủ bề. Người bệnh hối hận nhưng mọi thứ đã muộn.

Ăn thực dưỡng gạo lứt muối mè và hậu quả khối ung thư vú phát triển to, gây khó khăn cho việc điều trị. Ảnh: BSCC

Cách đây không lâu, khoa Cấp cứu tiếp nhận một ca bị ung thư dạ dày vào viện trong tình trạng nặng, nhiễm toan chuyển hóa. Nhìn kết quả xét nghiệm bác sĩ "khóc thét". Vậy mà “thánh thực dưỡng” nói là người bệnh đang “thải độc”.

Theo người nhà, bệnh nhân vừa biết tin bị ung thư liền ăn thực dưỡng, không động thuốc Tây. Sau ít ngày ăn gạo lứt và không ăn hoa quả, người bệnh sụt 20kg và vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, da bọc xương.

Trường hợp khác, nam bệnh nhân trẻ 40 tuổi bị xơ gan sau đó thực dưỡng và uống thuốc nam. Khi vào viện, người vàng như nghệ, gan đã không còn tác dụng và rơi vào hôn mê.

Bác sĩ phải lọc máu thay thế chức năng gan. Mất vài trăm triệu bệnh nhân mới qua được cơ nguy kịch nhưng gan bị xơ thêm một độ nữa. Đó là cái giá rất đắt mà người bệnh phải trả vì nghe theo lời đồn ăn thực dưỡng chữa bệnh, đặc biệt trong đó có bệnh ung thư.

Đừng nhẹ dạ cả tin làm lỡ cơ hội điều trị!

Theo bác sĩ Hùng, trước đây, ung thư được coi là “con ngáo ộp”, đã mắc ung thư là coi như chấm hết vì chúng ta phát hiện muộn, đã trong giai đoạn di căn. Đồng thời kỹ thuật chẩn đoán, thuốc điều trị lạc hậu.

Đó là lý do bác sĩ người Nhật có tên Makoto Kondo đã viết bức tâm thư nếu bị ung thư thì đừng chữa nữa. Bức thư từ thập kỷ 90 thế kỷ trước và dần bị đẩy vào dĩ vãng.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BSCC

Bức thư đó được cư dân mạng đào xới lại và chia sẻ ầm ĩ trên mạng. Có không ít người bệnh ung thư nhẹ dạ cả tin tự làm muộn thời gian điều trị của mình bởi những thông tin vô căn cứ, ngớ ngẩn trên mạng.

Bệnh ung thư có đáng sợ không? Rất đáng sợ! Điều trị ung thư có tốn kém không? Rất tốn kém! Ung thư có khỏi được không? Khỏi được nếu chúng ta phát hiện sớm.

Phát hiện càng sớm càng dễ điều trị và đỡ tốn kém tiền của. Đó là lý do tôi luôn luôn khuyến khích chúng ta hãy dùng bảo hiểm và mua bảo hiểm sớm, đó là sự chuẩn bị cho sức khoẻ sau này.

Tại Việt Nam, từ khoảng 2010 chúng ta đã có tiến bộ rõ rệt trong chẩn đoán cũng như điều trị ung thư. Các xét nghiệm theo dõi cũng tốt hơn và chính xác hơn, giúp bác sĩ theo dõi đường đi của tế bào ung thư tốt hơn. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh sẽ có tiên lượng sống tốt.

Người bệnh tự quyết định mạng sống của mình. Bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị là vô cùng đáng tiếc. Giới thiệu ăn thực dưỡng trị bệnh ung thư, lan truyền những biện pháp điều trị vô căn cứ là một tội ác!”, bác sĩ Hùng bày tỏ.