Nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép
Theo Zing.vn, từ sáng đến trưa nay 14/11, bầu trời TP.HCM bị bao phủ bởi lớp mù dày. AirVisual có thời điểm xếp TP.HCM đứng thứ 4 về ô nhiễm trong danh sách 90 thành phố mà website này thống kê. Đến trưa, dù có nắng, bầu trời trung tâm TP.HCM vẫn chìm trong lớp mù khá dày.
Trước đó, chỉ số ô nhiễm không khí tại TP.Hà Nội cũng ở mức báo động.
Theo thông tin từ Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, trong khoảng thời gian từ 05-12/11/2019, chất lượng không khí tại Hà Nội lại diễn biến theo chiều hướng xấu.
Đặc biệt, trong ngày 12/11 đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 - mức nguy hại. Theo đó, nồng độ trung bình 24h của bụi mịn PM2.5 đã vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại tất cả các trạm và có xu hướng tăng theo thời gian.
Khoảng thời gian ghi nhận có nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng. Đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra.
Ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Kiến Việt.
Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa.
Rất may mắn ngày 13/11, miền Bắc đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí đả giảm đáng kể, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc vẫn khuyến cáo trong khoảng thời gian này, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Gia tăng bệnh nhân hô hấp, tim mạch nhập viện
Ô nhiễm không khí, bụi mịn PM 2.5 tấn công đang là mối lo của nhiều người dân trong thời điểm ô nhiễm không khí.
PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai khẳng định tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối là người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...
Theo nhận định của WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí.
30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa.
Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.
Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
“Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn.
Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau”, PGS. Giáp phân tích.
Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.
PGS. Giáp khuyên người dân ngoài các biện pháp nâng cao sức khỏe thì cũng nên cùng nhau chung tay làm sạch không khí như dùng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Khi dừng đèn đỏ, hãy tắt các phương tiện giao thông, thấy xe ô tô nào phát thải nhiều khói bụi, công trình xây dựng nào không che chắn kỹ, chúng ta cần lên tiếng nhắc nhở.
“Khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng”, PGS. Giáp khuyến cáo.