Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 84 tuổi bị biến chứng đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bàn chân phải tím đen, sốt cao, tình trạng nhiễm trùng máu cao. 

Qua khai thác, người nhà bệnh nhân cho biết bà cụ có tiền sử đái tháo đường type 2 và suy thận. Sau khi bệnh nhân cắt móng chân bị chảy máu và nhiễm trùng ngón chân thứ 3 bàn chân phải. Chỉ sau 10 ngày, bệnh nhân đã bị thâm tím toàn bộ bàn chân phải và có dấu hiệu hoại tử giữa bàn chân. 

Khi bác sĩ xử lý ở phần tổn thương không thấy có dấu hiệu chảy máu, bàn chân đã hoại tử ½ giữa. Bệnh nhân được các bác sĩ trích rạch để dẫn lưu các vị trí hoại tử mủ dẫn lưu ra ngoài. Sau đó, mủ sẽ được cấy để làm xét nghiệm để xác định các loại vi khuẩn gây tổn thương cho bệnh nhân. Từ đó phác đồ điều trị kháng sinh có thể chính xác và hiệu quả hơn.

Chỉ sau 10 ngày bị nhiễm trùng, bệnh nhân biến chứng đái tháo đường gây hoại tử 1/2 bàn chân phải, nguy cơ cắt cụt chi cao.

Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể nhiễm nhiều loại tạp khuẩn, vi khuẩn và khó xác định được căn nguyên gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao, bạch cầu trong máu lên tới 40000/mm3. 

Hiện tại các bác sĩ đã dùng các loại kháng sinh mạnh và phổ rộng để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết và đặc biệt phải cắt cụt chi rất cao.

Biến chứng đái tháo đường là gì?

Theo ThS.BSNT Nguyễn Mạnh Hùng (Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai), những biến chứng đái tháo đường có thể gặp trên lâm sàng rất nhiều tuy nhiên số lượng bệnh nhân vào viện trên thực tế rất ít. Bản chất của đái tháo đường phát triển rất từ từ, từng ít một đến khi biến chứng có biểu hiện ra ngoài lúc này bệnh đã tiến triển nặng. Số lượng người béo tăng dẫn theo nhiều bệnh nhân đái tháo đường hơn. Cùng với đó việc kiểm soát đái tháo đường không tốt và dẫn tới biến chứng đái tháo đường cũng sẽ tăng lên nhiều.

Một số biến chứng đái tháo đường có thể gặp là:

- Trường hợp biến chứng đái tháo đường nhẹ bệnh nhân có thể thấy nhìn mờ, chuột rút, tê bì chân tay.

- Trường hợp nặng hơn có thể gặp là suy thận, suy tim.

- Một số những biến chứng nặng nề hơn có thể gặp là biến chứng bàn chân đái tháo đường hoặc các biến chứng nhiễm trùng.

ThS.BSNT Nguyễn Mạnh Hùng - Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai.

Phòng ngừa biến chứng đái tháo đường

Để phòng ngừa các biến chứng đái tháo đường, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và quan trọng, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên theo chỉ định. 

Tâm lý của người Việt Nam thường điều trị một thời gian nếu thấy bệnh tình ổn định thì chủ quan không tái khám nữa. Tuy nhiên việc bệnh nhân không tái khám, đánh giá lại sẽ không biết được biến chứng đái tháo đường có nguy cơ xảy ra vì những biến chứng đái tháo đường diễn ra rất thầm lặng. Nếu không tái khám thì bệnh nhân khó có thể tự phát hiện được.

Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều thông tin quảng cáo tràn lan về thuốc chữa đái tháo đường hoàn toàn chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, người bệnh cần biết đái tháo đường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh cần theo dõi thăm khám và điều trị suốt đời. 

Bên cạnh đó, nếu sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn. Thậm chí có thể dẫn tới các biến chứng đái tháo đường như suy tim, suy thận hoặc những biến chứng nặng nề hơn.

Người bệnh đái tháo đường thăm khám định kỳ và kiểm soát tốt đường huyết có thể chung sống với bệnh ổn định cả đời đồng thời hạn chế được những biến chứng đái tháo đường. Tuy nhiên nếu bỏ thuốc và theo các lời khuyên tràn lan trên mạng sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng.

Trong quá trình thăm khám tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, các bác sĩ gặp rất nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc và gây ra biến chứng đái tháo đường. Đáng tiếc điều này không chỉ gặp ở những người lớn tuổi mà còn gặp cả ở những bệnh nhân trẻ tuổi.

Một bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Những đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường

Trong tương lai số lượng bệnh nhân đái tháo đường sẽ tăng dần theo xu hướng phát triển do số bệnh nhân béo phì ngày càng nhiều hơn. Những đối tượng cần quan tâm và tầm soát định kỳ đái tháo đường là:

- Gia đình có người thân mắc đái tháo đường

- Những người có thể trạng béo phì, chỉ số BMI cao

- Những người có tiền sử bệnh lý rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

- Phụ nữ mang thai đặc biệt là đã có tiền sử đái tháo đường thai kỳ. Trong quá trình mang thai cần cẩn trọng hơn. Bởi với người đái tháo đường sau đó mang thai, hoặc những người mang thai mắc đái tháo đường (đái tháo đường thai kỳ) cần kiểm soát đường máu tốt. 

Việc kiểm soát đường máu không tốt không chỉ gây nguy hại cho cả mẹ và con mà còn làm tăng biến chứng cho thai nhi. Bên cạnh đó có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai, tăng những biến chứng trong sản khoa thậm chí là sảy thai.